Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Brussels vào thứ Tư (ngày 18/12), hội đàm với Tổng thư ký NATO Mark Rutte và các nhà lãnh đạo châu Âu khác nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ ngay lập tức để củng cố nỗ lực chiến đấu của Kiev và thảo luận về các đảm bảo an ninh dài hạn.
Cuộc họp giữa ông Zelensky và các đồng minh châu Âu diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Ukraine đang ở thế phòng thủ trên chiến trường và khi chỉ hơn 1 tháng nữa là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump – người có quan điểm hoài nghi viện trợ cho Kiev – trở lại Nhà Trắng.
Xuất hiện bên cạnh ông Zelensky sau cuộc hội đàm, người đứng đầu NATO Mark Rutte nhấn mạnh rằng các đối tác của Ukraine có kế hoạch tiếp tục cung cấp vũ khí cho nước này để hỗ trợ quốc phòng trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga.
Theo ông Rutte, ưu tiên trong chuyến thăm Brussels của ông Zelensky là làm thế nào để Ukraine "có những gì họ cần", bao gồm cả hệ thống phòng không và các hệ thống vũ khí khác, và ở "vị trí tốt nhất có thể một ngày nào đó, khi họ quyết định như vậy, để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình" với Moscow.
Người đứng đầu NATO từ chối bình luận về khả năng ngừng bắn trong bối cảnh có đồn đoán về sự thay đổi hướng đi sau lễ nhậm chức của ông Trump, nói rằng điều quan trọng là trước tiên phải "tập trung vào công việc đang làm".
Mặc dù không tham dự cuộc họp của các lãnh đạo EU vì lịch trình bận rộn, Tổng thống Pháp Macron vẫn hội đàm với ông Zelensky ở Brussels vào đầu ngày 18/12/2024. Ảnh: X/Twitter
Khi sự thay đổi chính quyền ở Mỹ – nhà tài trợ quốc phòng lớn nhất của Ukraine – ngày càng đến gần, ông Zelensky một mặt cho rằng ông Trump trở lại có thể có nghĩa là cuộc chiến sẽ kết thúc vào năm tới và đã kêu gọi các đồng minh giúp bảo đảm một thỏa thuận hòa bình mà Moscow không thể vi phạm.
Mặt khác ông Zelensky dường như đã dịu giọng về bất kỳ nỗ lực thúc đẩy hòa bình tiềm năng nào. Ông đã nói rằng nếu Ukraine được NATO đảm bảo an ninh chắc chắn và đủ vũ khí, họ có thể đồng ý ngừng bắn theo các đường liên lạc hiện tại và tìm cách giành lại phần còn lại của lãnh thổ thông qua các biện pháp ngoại giao.
Khi các thành viên NATO đã bác bỏ lời kêu gọi của Kiev về việc mời Ukraine tham gia liên minh này "ngay lập tức", làm dấy lên suy đoán rằng việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình có thể là một giải pháp thay thế.
"Về mặt chính thức, điều đó không có trong chương trình nghị sự, nhưng vì sẽ có rất nhiều người quan trọng trong cùng một phòng, nên không thể loại trừ hoàn toàn", một nhà ngoại giao NATO nói với AFP khi đề cập đến cuộc họp ở Brussels.
Đồng thời, nhà ngoại giao này cho biết thêm rằng cuộc họp "về cơ bản là để ông Zelensky yêu cầu thêm viện trợ quân sự".
Minh Đức (Theo Politico EU, DW, France24)