Phát hành bộ tem “Cây chè” quảng bá nông sản của Việt Nam

Admin
(PNTĐ) - Ngày 21/5, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phát hành bộ tem “Cây chè” nhằm giới thiệu vẻ đẹp, giá trị kinh tế của loại cây công nghiệp thế mạnh, quảng bá nông sản của nước ta với bạn bè quốc tế.

Bộ tem “Cây chè” được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 21/5/2024 đến ngày 31/12/2025.

Bộ tem “Cây chè” gồm 2 mẫu tem và 1 blốc tem, do họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế theo phương pháp đồ họa. Tem có khổ 32x 43mm, miêu tả quá trình hình thành, sinh trưởng của cây chè, cách dùng trà truyền thống của người Việt. Trong đó, mẫu tem một có chú thích “Cây chè” giới thiệu về cây chè từ hạt, cây, hoa, quả, búp, lá chè. Các hình ảnh trên tem chân thực, cụ thể, chi tiết và tỉ mỉ. 

Mẫu tem “Trà truyền thống” là hình ảnh búp lá chè đã được sao khô cùng bộ ấm chén và nước trà mới pha. Mẫu blốc tem có khổ 90 x 80 (mm) mô tả không gian vùng trồng chè, cây chè cổ thụ và chi tiết búp chè. Nền blốc thể hiện hình ảnh đồi chè Long Cốc (tỉnh Phú Thọ) nổi tiếng về cảnh quan cũng như vùng nguyên liệu trà.

Phát hành bộ tem “Cây chè” quảng bá nông sản của Việt Nam - ảnh 1
Bộ tem "Cây chè" do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế được phát hành trên toàn quốc.

Từ nguyên liệu là những búp chè được thu hoạch bằng phương pháp thủ công, người dân nơi đây đã tạo ra sản phẩm trà shan tuyết đặc trưng riêng có của Việt Nam.

Nước ta có thế mạnh về phát triển cây công nghiệp lâu năm do đất đai, khí hậu và hệ sinh thái cây trồng đa dạng, phù hợp, trong đó, chè là một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương; có nhiều vùng trồng, sản xuất chè quy mô lớn như Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ, Lâm Đồng...

Các sản phẩm trà của Việt Nam không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều thị trường thế giới.

Trước đó, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Cây cà phê” trong chuỗi bộ tem giới thiệu về cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế, thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.