Phát hiện nhiều bất ngờ từ phế tích tháp Chăm khoảng thế kỷ XIII tại Bình Định

Admin
Từ 2 cuộc khai quật, đoàn khảo cổ phát hiện kiến trúc tháp Chăm quy mô lớn của vùng đất Vijaya trong lịch sử tại Bình Định.

Ngày 31/7, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở VH-TT tỉnh này cùng với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức buổi báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ đợt 2 ở phế tích tháp Đại Hữu (thôn chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Hiện vật từ hai đợt khảo cổ phế tích tháp Chăm Đại Hữu. Ảnh:NO

Hiện vật từ hai đợt khảo cổ phế tích tháp Chăm Đại Hữu. Ảnh:NO

Theo đó, phế tích tháp Đại Hữu được đề cập đầu tiên với nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier trong công trình nghiên cứu lý thuyết công bố năm 1909. 

Ông Henri Parmentier đã mô tả sơ bộ vị trí của tháp Đại Hữu bằng suy đoán "có dấu vết hai kiến trúc tháp Chàm".

Đến ngày 18/4/2023, Bộ VH-TT-DL quyết định đồng ý cho Sở VH-TT Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật phế tích Đại Hữu.

Buổi công bố báo cáo kết quả khai quật phế tích tháp Đại Hữu tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh:NV

Buổi công bố báo cáo kết quả khai quật phế tích tháp Đại Hữu tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh:NV

Kết quả đợt khai quật đầu tiên 200m, đã làm phát lộ một phần tường tháp phía Bắc, phía Nam và phía Đông, thu được nhiều hiện vật, gồm: mảnh đài thờ bằng đá sa thạch, các mảnh bia ký, đầu tượng Siva, hiện vật trang trí tháp… Qua đó, xác định đây từng là quần thể tháp Chăm cổ quy mô lớn.

Đến đợt thứ 2, công tác khảo cổ diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7/2024, với diện tích khai quật 300m2. Đợt khai quật thứ 2 nhằm làm rõ thêm tổng thể mặt bằng kiến trúc tháp thông qua vật liệu kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và những hiện vật liên quan của tháp Đại Hữu trong tổng thể các di tích văn hóa Champa trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Phát hiện nhiều bất ngờ từ phế tích tháp Chăm khoảng thế kỷ XIII tại Bình Định- Ảnh 3.

Đợt khai quật thứ 2 làm sáng tỏ một số vấn đề mang giá trị lớn với lĩnh vực khảo cổ. Ảnh:NO

Đây cũng là cơ sở để tỉnh này có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này.

Theo Viện khảo cổ Việt Nam, kết quả của 2 đợt khai quật cho thấy, phế tích tháp Đại Hữu có bình đồ hình vuông với thân tháp là 9,8m x 33,8m; phần nền móng đế tháp là 12,7mx12,7m. Tháp có cửa ra vào tại hướng Đông, phần tiền sảnh dài 6,42m.

Từ những di tích và di vật, so sánh với kiến trúc tháp Chăm đã được khai quật nghiên cứu, kết hợp bia ký đã được phát hiện từ trước đến nay, các chuyên gia khảo cổ học nhận định có khả năng phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIII.

Một mảnh hiện vật được phát hiện từ phế tích tháp Đại Hữu. Ảnh:NO

Một mảnh hiện vật được phát hiện từ phế tích tháp Đại Hữu. Ảnh:NO

"Đây là dấu vết của một kiến trúc tháp Champa quy mô lớn của vùng đất Vijaya trong lịch sử", Tiến sĩ Phạm Văn Triệu – Phó Trưởng Phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) chủ trì, báo cáo sơ bộ về kết quả khảo cổ đợt 2 này, đánh giá.

Cùng với đó, quá trình khai quật phát hiện 156 hiện vật đá với nhiều loại hình, kích thước khác nhau. Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật chất liệu đất nung như gạch, gốm tráng trí điểm góc, ngói mũi lá, phù điêu hình động vật, đồ gốm gia dụng…