Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc
Theo Ban Chỉ đạo 138 TP Hà Nội, những năm qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Thủ đô luôn được Thành ủy, HĐND, UBND, các ngành, các cấp trên địa bàn TP Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với thực tiễn, góp phần củng cố, xây dựng nền an ninh nhân dân. Theo đó, công tác tổ chức “Ngày hội toàn dân ANTQ” cũng được thực hiện bài bản, nghiêm túc và hiệu quả. Qua đó, không chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, mà còn tạo nên không khí thi đua sôi nổi giữa các địa phương, đơn vị trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự.
Tại nhiều xã, phường, thị trấn cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, quản lý và vận hành mô hình Camera an ninh. Toàn thành phố đã triển khai xây dựng 265 điểm mô hình Camera an ninh với hơn 55.000 mắt Camera an ninh trực tiếp tham gia mô hình, khoảng 90% mắt Camera an ninh của các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đã ký cam kết sẽ chia sẻ dữ liệu thông tin khi lực lượng Công an có yêu cầu. Hiệu quả hoạt động của mô hình Camera an ninh đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, răng đe, ngăn chặn các đối tượng có ý định thực hiện hành vi phạm tội; góp phần kéo giảm các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Năm 2024, thành phố Hà Nội đã phát triển ứng dụng nền tảng thuộc Đề án 06, nổi bật là ứng dụng Công dân Thủ đô - iHanoi, cung cấp tiện ích trong 3 lĩnh vực: Giao thông, giáo dục và tuyền thông, tin tức; đột phá là việc tích hợp VNeID lên ứng dụng Công dân Thủ đô - iHanoi. Ứng dụng thể hiện tâm huyết và quyết tâm rất cao của chính quyền Thành phố trong mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang duy trì 175 mô hình, nhóm mô hình, được nhân rộng 8.818 điểm; 90 (59 tập thể; 31 cá nhân) điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Duy trì 13 mô hình đã được Bộ Công an ghi nhận; 23 mô hình đạt hiệu quả cao, có nhiều cách làm hay, sáng tạo được Thành phố Hà Nội ra Thông báo học tập kinh nghiệm và ghi nhận.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng “xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào ANTQ” đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng thi đua lan tỏa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị. Năm 2024 có 5.264 khu dân cư, 561 xã, phường, thị trấn, 2.460 cơ quan, doanh nghiệp, 960 cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.
Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội đã đánh giá, công nhận 102 xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, gồm 57 xã, phường, thị trấn và 55 cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục.
Chìa khóa bảo vệ Thủ đô bình yên
Một trong những điểm cốt lõi tạo nên sự thành công của phong trào tại Hà Nội là sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác chuyên môn của lực lượng công an với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Hội nghị chuyên đề, tọa đàm, diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, phát thanh nội bộ, mạng xã hội, sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố... Từ đó, giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận diện thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, từ đó chủ động phòng tránh, tố giác.
Tính riêng trong 5 năm 2020 - 2025, Công an Thành phố đã tham mưu Thành uỷ, UBND Thành phố ban hành gần 90 văn bản, đồng thời chủ động xây dựng, ban hành và triển khai trên 100.000 văn bản thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực công tác, trong đó có lĩnh vực xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ... Thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị, trên các nền tảng Facebook, Zalo, web, blog, các ứng dụng di động iHanoi..., trong 10 năm 2015 - 2025, đã có hơn 946.800 lượt quần chúng nhân dân tham gia công tác tuần tra canh gác giữ gìn an ninh trật tự tại các địa bàn; nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an 418.014 tin liên quan đến an ninh trật tự, góp phần tích cực để lực lượng công an điều tra khám phá hàng nghìn vụ án. Công an thành phố Hà Nội đã điều tra, khám phá 35.741 vụ, 72.923 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội; 29.125 vụ, 31.644 đối tượng phạm tội về kinh tế; 31.885 vụ, 45.133 đối tượng phạm tội về ma tuý; 62.971 vụ, 56.248 đối tượng phạm tội về môi trường.

Không thể phủ nhận rằng, sức dân chính là yếu tố quyết định thành công của mọi phong trào quần chúng. Tại Hà Nội, từ các Tổ trưởng dân phố, bảo vệ khu dân cư, đến các em học sinh, sinh viên đều có thể trở thành chiến sĩ an ninh trên mặt trận giữ gìn bình yên. Đơn cử như mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ dân, không ít vụ cháy nhỏ được phát hiện và dập tắt kịp thời trước khi trở nên nghiêm trọng.
Xác định vai trò quan trọng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khằng định: Công an Thủ đô không chỉ là lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, mà còn phải thể hiện rõ tư duy đổi mới, tinh thần phục vụ nhân dân. Thời gian tới, Công an Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng và niềm tin của nhân dân làm thước đo thực chất.
Tại “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cấp Thành phố; tuyên dương các điển hình tiên tiến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2025 do Ban Chỉ đạo 138 Thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, Thượng tướng Lê Văn Tuyến, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp và Công an TP Hà Nội cần quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Công an về công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; kịp thời rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ thành phố đến các xã, phường để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, liên tục.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo xuyên suốt, liên tục từ Trung ương đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, khu công nghiệp tập trung, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại khu dân cư, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT; kịp thời phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, giúp đỡ, cảm hóa người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống cháy, nổ; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng…
Có thể khẳng định rằng, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” tại Hà Nội không chỉ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mà còn tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân. Đây chính là tiền đề quan trọng để xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “văn hiến – văn minh – hiện đại”, là điểm đến an toàn, thân thiện, biểu tượng của hòa bình và phát triển bền vững.