Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới

Admin
(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chiều ngày 21/4, Báo Hànộimới phối hợp với huyện Ứng Hòa tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Phát huy truyền thống phong trào Chiếc gậy Trường Sơn trong kỷ nguyên mới". Hòa Xá, Ứng Hòa chính là nơi đã khởi lên phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” lịch sử.

Tin liên quan

“Một thời hoa lửa” của những nữ lái xe Trường Sơn

Xúc động ký ức 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Tọa đàm nhằm tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới - ảnh 1
Tọa đàm thu hút sự tham gia của các nhân chứng lịch sử và nhiều thế hệ người dân Ứng Hòa. 

Tọa đàm đồng thời cũng nhằm làm rõ thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chặng đường gian khổ ấy, con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - đã trở thành huyền thoại.

Trong huyền thoại ấy, “Chiếc gậy Trường Sơn” không chỉ là vật dụng thô sơ mà trở thành biểu tượng cho ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó và khát vọng chiến thắng của quân dân ta. Qua đó nhằm ôn lại những năm tháng hào hùng và phát huy truyền thống phong trào Chiếc gậy Trường Sơn trong kỷ nguyên mới.

Với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, buổi tọa đàm trực tuyến mang sứ mệnh tri ân quá khứ, lan tỏa giá trị tinh thần và kiến tạo hành động cho hiện tại, tương lai.

Tọa đàm cũng là dịp để gặp gỡ những nhân chứng lịch sử từng cầm chiếc gậy Trường Sơn ra trận, lắng nghe tiếng nói của thế hệ hôm nay về cách tiếp nối ngọn lửa truyền thống và cùng suy ngẫm về những giải pháp để truyền thống cách mạng được chuyển hóa thành động lực phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Các nhân chứng lịch sử tham gia Tọa đàm có: ông Lưu Tiến Tảo, nguyên cán bộ văn hóa xã Hòa Xá; ông Phùng Văn Mạnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá; ông Đỗ Ngọc Bình, người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; bà Lưu Thị Thịnh, từng là Bí thư Đoàn thanh niên.

“Chiếc gậy Trường Sơn” - Biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết trong kháng chiến

Tọa đàm "Phát huy truyền thống phong trào Chiếc gậy Trường Sơn trong kỷ nguyên mới" một lần nữa nêu bật ý nghĩa, giá trị của chiếc gậy Trường Sơn năm xưa trong chiến đấu. Chiếc gậy Trường Sơn không chỉ là vật dụng hỗ trợ cho những người lính hành quân qua những cung đường hiểm trở mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được làm từ những vật liệu đơn giản như tre, trúc, chiếc gậy trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới - ảnh 2
Tiết mục văn nghệ về tinh thần "Chiếc gậy Trường Sơn" khai mạc Tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, bà Mai Thị Kim Thoa, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới khẳng định, lịch sử dân tộc Việt Nam được viết nên từ những chiến công hiển hách, đồng thời, được tô thắm bởi những hình ảnh giản dị, lặng thầm mà giàu ý nghĩa. Trong số đó, phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” - xuất phát từ mảnh đất Hòa Xá, huyện Ứng Hòa là minh chứng sống động cho sức mạnh tinh thần, ý chí dân tộc và lòng yêu nước mãnh liệt.

Những chiếc gậy tre nhỏ bé, khắc tên người ra trận, khắc dòng tin nhắn gửi tiền tuyến, đã vượt qua hàng nghìn cây số Trường Sơn, đồng hành cùng các chiến sĩ, trở thành biểu tượng thiêng liêng của hậu phương lớn hướng về miền Nam ruột thịt. Đây không chỉ là một hành động mang tính sáng tạo của nhân dân, mà còn là một biểu hiện tinh thần sâu sắc, thể hiện khí phách và tấm lòng của hậu phương Thủ đô đối với tiền tuyến lớn; là một trong những phong trào độc đáo trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đầy sức lay động và truyền cảm hứng”.

Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới - ảnh 3
Bà Mai Thị Kim Thoa, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới

Bà Mai Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh, khi đất nước đã bước sang một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn của hội nhập, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo - thì tinh thần “Chiếc gậy Trường Sơn” càng cần được khơi dậy và lan tỏa. Bởi lẽ, trong bất kỳ thời kỳ nào, quốc gia nào, dân tộc nào, yếu tố nền tảng vẫn là tinh thần dân tộc, là cội rễ văn hóa, là truyền thống yêu nước được truyền đời qua những biểu tượng như thế. Vì vậy, Tọa đàm là dịp để tri ân những thế hệ đi trước, là cơ hội để thế hệ hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ được tiếp cận, được lắng nghe, được thấu hiểu và được tiếp thêm sức mạnh từ những câu chuyện tưởng chừng như rất xa, nhưng thực ra lại rất gần, rất thời sự, rất thiết thực.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn chia sẻ về giá trị lịch sử và tinh thần của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” đối với huyện Ứng Hòa nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Ông cho rằng, ngoài lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, thông qua “Chiếc gậy Trường Sơn” đã thể hiện tính thông minh, sự sáng tạo của thanh niên Hòa Xá; đồng thời, thể hiện tính kế thừa, phát huy giá trị truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, thể hiện sự sáng tạo của cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm “truyền lửa” cho các thế hệ thanh niên Hòa Xá tiếp tục lên đường ra trận; lan tỏa tinh thần đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân xuyên suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới - ảnh 4
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn

Thực tế, trong suốt những năm tháng chiến tranh, chiếc gậy Trường Sơn đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động về tình đồng đội, về sự hy sinh thầm lặng của những người lính trẻ. Nó trở thành biểu tượng của một thế hệ anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chính vì vậy, ông Nguyễn Chí Viễn khẳng định: Khó có thể tạo dựng hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh “Chiếc gậy Trường Sơn”.

Tinh thần “Chiếc gậy Trường Sơn” – lan tỏa sức sống mới trên quê hương Ứng Hòa trong kỷ nguyên mới

Từ một biểu tượng mộc mạc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “Chiếc gậy Trường Sơn” hôm nay đang tiếp tục được hun đúc, lan tỏa và trở thành mạch nguồn cảm hứng cho công cuộc dựng xây quê hương Ứng Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tại buổi tọa đàm, nhiều câu chuyện xúc động đã được chia sẻ, khẳng định giá trị sống động của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” trong đời sống hiện tại.

Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới - ảnh 5
Thế hệ trẻ Ứng Hòa tham gia Tọa đàm, cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị, tinh thần, ý nghĩa lịch sử của "Chiếc gậy Trường Sơn" huyền thoại

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới khẳng định: “Từ tinh thần Trường Sơn, chúng ta bàn chuyện hôm nay - chuyện phát triển quê hương, dựng xây nông thôn mới, chuyển mình trong cuộc cách mạng số, gìn giữ bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập, và xây dựng thế hệ công dân trẻ bản lĩnh, có lý tưởng, có khát vọng vươn lên”. Với vai trò là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, Báo Hànộimới không chỉ lưu giữ ký ức mà còn khơi nguồn sáng tạo, tiếp tục lan tỏa thông điệp về ngọn lửa truyền thống trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.

Phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” không chỉ là một biểu tượng kháng chiến mà còn là di sản tinh thần quý giá. Bà Lưu Thị Thịnh, nhân chứng sống của phong trào “Chiếc nhẫn thủy chung”, hồi tưởng: “Đó là những ngày tháng người ra đi có thể không trở lại, còn người ở lại phải nén nỗi đau vào trong, tiễn người thân bằng tất cả niềm tự hào xen lẫn hy vọng…”. Câu chuyện về người vợ thủy chung của người lính Tít, người đã gửi chiếc gậy từ quê nhà ra chiến trường, đến nay vẫn lay động lòng người bởi sự son sắt và sâu nặng nghĩa tình.Chồng hy sinh, chị vẫn một lòng thủy chung, không đi bước nữa, ở vậy trọn đời...

Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới - ảnh 6
Các nhân chứng lịch sử tham gia chương trình

Truyền thống ấy hôm nay đã được cấp ủy, chính quyền xã Thái Hòa và huyện Ứng Hòa kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Chí Viễn nhấn mạnh: Xây dựng quê hương hôm nay vẫn cần tinh thần “Chiếc gậy Trường Sơn” – đó là sự đoàn kết, đồng thuận, là huy động tổng lực từ cả hệ thống chính trị và người dân để tạo nên diện mạo nông thôn mới đồng bộ, hài hòa.

Hòa Xá - cái nôi của phong trào, đã góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến. Ông Đỗ Văn Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Hòa, chia sẻ: xã đã lồng ghép phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” vào công tác giáo dục truyền thống, sinh hoạt đoàn thể và các phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Những hiện vật như gậy, sổ tay, thư tay... vẫn được nhiều gia đình cựu chiến binh lưu giữ, và nay được hiến tặng, trưng bày tại Bảo tàng quê hương – như một bảo chứng của lịch sử sống động.

Không chỉ dừng lại ở giáo dục truyền thống, Hội Cựu chiến binh xã Thái Hòa còn trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào “Thắp sáng đường quê”, “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự… Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Văn Quân nhấn mạnh: “Người lính năm xưa khi trở về thời bình vẫn phải là tấm gương sáng giữa đời thường. Những hành động hôm nay là cách chúng tôi tri ân ký ức, gìn giữ giá trị truyền thống và tiếp nối hành trình xây dựng quê hương”.

Phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” cũng tiếp tục được truyền lửa tới thế hệ trẻ bằng những chương trình như “Một ngày trải nghiệm cùng cựu chiến binh”, “Ngọn lửa không tắt”… Những buổi giao lưu, trò chuyện giữa cựu chiến binh và học sinh, đoàn viên đã trở thành chất liệu giáo dục lý tưởng sống, hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ tương lai.

Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới - ảnh 7
Rất nhiều câu chuyện hào hùng mà cảm động về phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn" được kể lại đã nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu tham dự

Khẳng định tinh thần ấy là “ngọn lửa truyền thống”, Bí thư Huyện đoàn Phạm Quốc Khánh cho biết: tuổi trẻ Ứng Hòa luôn lấy phong trào làm nguồn cảm hứng trong các hoạt động như “Xuân tình nguyện”, “Mùa hè xanh”, “Tình nguyện mùa đông”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”… Ngoài ra, phong trào “Những viên gạch hồng”, hiến máu, hỗ trợ gia đình chính sách, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ... cũng là cách để đoàn viên thể hiện trách nhiệm với quê hương.

“Với thế hệ trẻ, tinh thần Chiếc gậy Trường Sơn chính là bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng”, anh Khánh nhấn mạnh. Không chỉ mang trong mình lý tưởng đẹp, thanh niên Ứng Hòa còn xung kích trong chuyển đổi số, sáng tạo nội dung tuyên truyền, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và xây dựng hình ảnh người công dân thời đại mới – năng động, sáng tạo và gắn bó với cội nguồn.

Phát huy truyền thống “chiếc gậy Trường Sơn” trong kỷ nguyên mới - ảnh 8
Thế hệ trẻ Ứng Hòa khẳng định sẽ tiếp bước cha anh để giữ vững và phát huy tinh thần "Chiếc gậy Trường Sơn", xây dựng quê hương, Thủ đô và đất nước giàu đẹp

Tinh thần “Chiếc gậy Trường Sơn” hôm nay, qua từng mô hình, từng câu chuyện, từng hành động cụ thể, vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ trên quê hương Ứng Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó không chỉ là ký ức, mà là động lực sống, là ngọn lửa truyền thống được truyền tay từ thế hệ cha ông sang thế hệ hôm nay, cùng nhau viết tiếp hành trình vẻ vang của đất nước trong một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên.