Rao bán thuốc Molnupiravir trên mạng là trái quy định

Admin
Sở Y tế Tp.HCM khẳng định, hiện nay, bất kỳ trường hợp nào rao bán thuốc Molnupiravir trên mạng đều trái quy định vì đây là loại thuốc cần bác sĩ kê toa.

Chiều 17/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM tổ chức buổi họp báo định kỳ nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, đại diện ngành y tế Thành phố này cho biết, đến hôm nay, các quy định về mua bán, sử dụng thuốc Molnupiravir chưa có gì khác so với các quy định trước đó.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM nhấn mạnh, hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về việc tiếp cận, mua bán thuốc Molnupiravir. Do vậy, việc mua bán thuốc Molnupiravir vẫn theo đúng hướng dẫn cũ, đây là loại thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh cần phải kê toa.

Cụ thể, người mắc Covid-19 có thể dùng toa thuốc của bác sĩ để tiếp cận loại thuốc điều trị Covid-19 này. Thông qua toa thuốc, người dân có thể đến một số phòng khám, bệnh viện tư hoặc công để mua thuốc Molnulpiravir theo đúng chỉ định.

Sự kiện - Rao bán thuốc Molnupiravir trên mạng là trái quy định

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM tại họp báo.

Ngoài ra, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cũng cảnh báo người dân về các loại thuốc điều trị hậu Covid-19 trên mạng xã hội. Hiện, Sở Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế hình thành khoa lâm sàng khám hậu Covid-19 để người dân đến đăng ký.

"Việc chẩn đoán, điều trị phải đi song hành, cần chẩn đoán rồi mới điều trị hậu Covid-19. Việc người dân tự chẩn đoán, tự mua các loại thuốc điều trị hậu Covid-19 trên mạng sẽ rất nguy hiểm", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo.

Thông tin thêm về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao của Tp.HCM, đại diện Sở Y tế cho hay, tính đến nay, địa phương đã lập danh sách và quản lý hơn 213.000 người thuộc nhóm này. Đây là những trường hợp trên 65 tuổi, có bệnh nền.

Ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm hơn 102.000 người và ghi nhận 1.253 người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19. Các F0 được xử lý theo đúng quy trình, hướng dẫn của chiến dịch trên.

Trong 24 giờ qua, Tp.HCM tiếp tục ghi nhận 2.052 ca mắc Covid-19. Ngành y tế đang điều trị cho 5.326 F0, trong đó, 384 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi, 97 bệnh nhân nặng cần thở máy, 2 người cần can thiệp ECMO.

Ngày 16/3, thành phố có 742 bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện và 689 người được điều trị khỏi, xuất viện. Địa phương này ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong do Covid-19 trong ngày.

Cũng trong ngày 17/3, Sở Y tế Tp.HCM vừa có văn bản gửi Thường trực UBND Tp.HCM đề xuất mua 20.000 liều thuốc Molnupiravir cấp miễn phí cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.

Theo Sở Y tế, trước đây, nguồn thuốc kháng virus Molnupiravir thuộc chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 của Bộ Y tế và được phân bổ, sử dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Ngày 17/2, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước. Hiện tại thuốc đã có mặt ở các nhà thuốc tư nhân.

Để tăng cơ hội tiếp cận nhanh chóng thuốc Molnupiravir cho người bệnh, giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, Sở Y tế đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế về chủ trương cung ứng thuốc Molnupiravir cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.

Báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM cho biết, tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, số người bệnh điều trị tại nhà có nhu cầu sử dụng thuốc kháng virus gia tăng. Bên cạnh đó, số thuốc miễn phí do Bộ Y tế cung cấp cho thành phố hiện đã sắp hết.

Theo quy định của ngành y tế Tp.HCM, khi xác định người bệnh mắc Covid-19, bác sĩ điều trị sẽ kê đơn thuốc Molnupiravir cho người bệnh có chỉ định dùng Molnupiravir theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.

Người bệnh có thể sử dụng đơn thuốc này đến trạm y tế, trạm y tế lưu động để được cấp phát thuốc hoặc đến nhà thuốc để mua thuốc.