Rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên

Admin
(PNTĐ) - Lo âu là lo lắng, sợ hãi quá mức không tương xứng với mối đe dọa trong thực tế; gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong cuộc sống hàng ngày.

Phân loại tình trạng rối loạn lo âu ở trẻ

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới WHO, trẻ em được phân loại các mốc phát triển theo tuổi: Trẻ tiền học đường (< 5 tuổi), trẻ tuổi học đường (5 – 10 tuổi), trẻ vị thành niên (10 – 19 tuổi). Tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp của quá trình tăng trưởng và phát triển giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành; hay nói cách khác là bất kỳ người nào trong độ tuổi từ 10 – 19 tuổi.

Rối loạn lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên không có sự phân biệt với người lớn, nhưng biểu hiện triệu chứng khác so với người lớn. Bệnh được phân làm nhiều loại: Rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu chia ly, rối loạn lo âu lan tỏa, ám ảnh sợ đặc hiệu, ám ảnh sợ khoảng rộng, câm chọn lọc.

Các rối loạn lo âu thường xảy ra ở nữ giới. Tỷ lệ nữ/nam dần theo tuổi 2:1 đến 3:1 ở tuổi thiếu niên.

Yếu tố ảnh hưởng tới bệnh

Rối loạn lo âu có liên quan tới rất nhiều yếu tố như: Các yếu tố nhận thức và học tập; sinh học thần kinh; xã hội và môi trường (bố mẹ thường xuyên lo âu, có hành vi ngược đãi, hành vi lạm dụng...); yếu tố di truyền.

Nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ thời kỳ trẻ nhỏ (2-5 tuổi) về sự ức chế, sẽ dự báo nguy cơ rối loạn lo âu sau này: Ít thể hiện khi đối mặt với sự mới lạ, thiếu nụ cười, ít nói chuyện, ít tương tác, giao tiếp bằng mắt hạn chế, chậm thân thiện với người lạ hoặc trẻ cùng lứa tuổi, không sẵn sàng khám phá những tình huống mới. Trẻ mầm non bị ức chế có khả năng cao gấp 2-4 lần.

Rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên - ảnh 1
Ảnh minh họa

Biểu hiện lâm sàng

Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên mắc rối loạn lo âu thường có triệu chứng né tránh các hoạt động học tập và xã hội, chẳng hạn như trường học, tiệc tùng, cắm trại, ngủ lại nhà hoặc nói chuyện với những người an toàn.

Trẻ có thể tìm kiếm sự trấn an quá mức hoặc lặp đi lặp lại khi đi ngủ, thiên tai, đi học hoặc nói chung là liên quan đến nỗi sợ hãi về những điều tồi tệ xảy ra. Kết quả học tập kém, thể hiện sự thiếu tập trung trong lớp hoặc gặp khó khăn trong việc hoàn thành các bài kiểm tra trong thời gian quy định.

Các triệu chứng cơ thể: Đau đầu, chóng mặt, khó nuốt, lo lắng về việc mắc nghẹn, nôn hoặc buồn nôn, đau ngực, khó thở, đau dạ dày, tê và ngứa ran ở ngón tay hoặc ngón chân do thở gấp hoặc biểu hiện đau kịch tính.

Bùng nổ và hành vi chống đối: Những cơn bộc phát như có thể được kích hoạt bởi một tác nhân kích thích gây lo âu. Một nghiên cứu về điều trị 663 thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn lo âu cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ của sự cáu kỉnh ở tất cả các rối loạn lo âu, giới tính và tuổi tác, ngay cả khi kiểm soát rối loạn trầm cảm kèm theo và rối loạn thách thức chống đối.

Các vấn đề về ăn uống: Ăn không đủ chất do sợ quá trình ăn hoặc nuốt hay ăn quá nhiều để đối phó với lo âu. Nghiên cứu cho thấy một tỷ lệ đáng kể trẻ em, những trẻ có vấn đề về cân nặng hoặc ăn uống có chọn lọc, cho biết có lo âu.

Trẻ cũng có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ; ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ lo âu có thể báo cáo ý tưởng hoặc hành vi tự sát trong trường hợp không bị trầm cảm. Những nghiên cứu này cho thấy rằng từ 22 đến 58% trẻ lo âu cho biết có ý định tự sát.

Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng ý tưởng hoặc hành vi tự sát ở trẻ lo âu có liên quan đến sự tuyệt vọng và trầm cảm kèm theo.

Để điều trị rối loạn lo âu cho trẻ em và thanh thiếu niên, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thêm các rối loạn mắc kèm theo rối loạn lo âu (nếu có).