Rồng lửa S-400 “vắng mặt” trong chương trình phòng không tham vọng Steel Dome

Admin
Quyết định loại bỏ “Rồng lửa” S-400 để sử dụng hệ thống do trong nước phát triển đánh dấu sự thay đổi tiềm tàng trong thế trận phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ (Türkiye) hôm 6/8 đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống phòng không nhiều lớp tiên tiến do trong nước phát triển, được gọi là "Steel Dome", nghĩa là "Vòm Thép", và gọi là Çelik Kubbe trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp công nghệ cao Steel Dome có trọng tâm là mạng lưới được trang bị các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) và dự kiến sẽ bảo vệ toàn bộ không phận Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các mối đe dọa "từ cao độ rất thấp đến cao độ rất cao" và "từ tầm rất ngắn đến tầm xa", theo một tuyên bố từ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (SSB) thuộc Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một diễn biến bất ngờ, các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD mà Ankara đã mua từ Nga – một nguồn gây căng thẳng quốc tế đáng kể – đã bị loại khỏi "Vòm Thép".

Quyết định loại bỏ "Rồng lửa" S-400 để sử dụng hệ thống do trong nước phát triển đánh dấu sự thay đổi tiềm tàng trong thế trận phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ và là hành động cân bằng tinh tế của nước này giữa các đồng minh NATO và Nga.

Rồng lửa S-400 “vắng mặt” trong chương trình phòng không tham vọng Steel Dome- Ảnh 1.

Steel Dome sẽ là hệ thống phòng không toàn diện đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Yetkin Report

Về Steel Dome, đây không phải là một hệ thống duy nhất, mà là "một hệ thống bao gồm nhiều hệ thống", tích hợp nhiều công nghệ bản địa do các tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ như Aselsan, Roketsan và MKE phát triển và được điều phối bởi SSB.

"Vòm Thép" kết hợp các cảm biến, module truyền thông, trạm chỉ huy và điều khiển, và các công cụ ra quyết định do AI vận hành để tạo ra một lá chắn toàn diện chống lại các mối đe dọa trên không.

Mạng lưới phòng thủ mạnh mẽ này được cấu trúc thành 4 lớp: Tầm cực ngắn (lên đến 10 km) với các hệ thống như Korkut, Gökberk và Sungur; Tầm ngắn (5-10 km) kết hợp Herikks, Hisar A+ và Gökdemir; Tầm trung (10-15 km) sử dụng Kalkan 1, Kalkan 2 và Hisar O+; và Tầm xa (15-30+ km) sử dụng hệ thống Siper, với tầm bắn dự kiến là 100 km.

Những đóng góp chính từ Roketsan bao gồm vũ khí năng lượng định hướng (DEW) Alka để chống lại các mối đe doạ từ máy bay không người lái (UAV/drone), hệ thống phòng không di động Burç và hệ thống tên lửa tầm ngắn Sungur.

TÜBİTAK SAGE (Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Quốc phòng) sẽ dẫn đầu nghiên cứu và phát triển, trong khi MKE (Tập đoàn Công nghiệp Cơ khí và Hóa chất) sẽ cung cấp vũ khí và đạn dược tiên tiến.

Tham khảo thêm
Chiến công đầu tiên trong thực chiến của “Vòm sắt” trên biển C-DomeChiến công đầu tiên trong thực chiến của “Vòm sắt” trên biển C-Dome
Tham khảo thêm
Nga sắp bàn giao nốt “Rồng lửa” S-400 theo hợp đồng 5,5 tỷ USDNga sắp bàn giao nốt “Rồng lửa” S-400 theo hợp đồng 5,5 tỷ USD

Để so sánh, trong khi Steel Dome của Thổ Nhĩ Kỳ là "một hệ thống bao gồm nhiều hệ thống", thì Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel chỉ là một trong 3 lớp phòng không; hai lớp còn lại là hệ thống phòng thủ tầm cao Arrow và hệ thống phòng thủ tầm trung David’s Sling.

Trong khi Iron Dome đã hoạt động trong nhiều thập kỷ và đã bổ sung khả năng chống máy bay không người lái trong các cuộc xung đột gần đây, Steel Dome mới chỉ là một khái niệm về các hoạt động vẫn chưa được thử nghiệm, xác minh và vận hành.

Nhưng nếu các giai đoạn này được hoàn thành thành công, Steel Dome của Thổ Nhĩ Kỳ có thể thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh muốn bảo vệ không phận của họ trước các mối đe dọa khác nhau.

Minh Đức (Theo Eurasian Times, Breaking Defense)