Rừng tự nhiên bị thiệt hại sau bão có được khai thác không?

Admin
Với diện tích rừng tự nhiên bị gãy, đổ do bão số 3, Bộ NN&PTNT cho biết trước mắt cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu cháy rừng, phá rừng, ngăn chặn khai thác trái phép.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đề ra sau những ảnh hưởng từ bão số 3 gây ra, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết sẽ khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, hỗ trợ kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản bị thiệt hại nhanh chóng ổn định lại sản xuất.

Thông tin trên được ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) chia sẻ tại Hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp được tổ chức sáng 24/9.

Rừng tự nhiên bị thiệt hại sau bão có được khai thác không?- Ảnh 1.

Tính đến 16h ngày 23/9, tổng số có 13 tỉnh, thành bị thiệt hại về rừng với diện tích gần 170.000ha.

Ngoài ra, ông Lực cho biết sẽ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản.

"Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để chủ động, ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu do các vụ kiện gây ra", ông Lực nói.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, trước bão số 3, ngành lâm nghiệp đã có một số khó khăn do kinh tế suy thoái, cũng như việc thắt chặt các quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, quy định về không gây mất rừng, suy thoái rừng, giảm phát thải khí nhà kính,...

"Ngoài những thách thức trên, ngành lâm nghiệp còn phải đối diện với một thách thức mang tên cơn bão số 3. Từ rừng trồng đến rừng tự nhiên; cả rừng sản xuất lẫn rừng phòng hộ, đặc dụng; từ cây vườn ươm, đến cánh rừng trồng; từ cây mới ươm đến khu rừng nguyên liệu; từ hoạt động phát triển rừng đến bảo vệ rừng đều bị ảnh hưởng", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Hệ quả là, hàng vạn hộ, người lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp mất việc cũng như ảnh hưởng đến nguyên liệu chế biến, độ che phủ rừng, sản xuất giống, trồng rừng, cơ sở hạ tầng.

Rừng tự nhiên bị thiệt hại sau bão có được khai thác không?- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị.

Chia sẻ về các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: "Các nội dung khác, các vùng miền khác, chúng ta thực hiện theo kế hoạch theo kịch bản đã có từ đầu năm. Tôi xin lưu ý mấy giải pháp để xử lý ngay các thiệt hại do bão số 3 gây ra".

Cụ thể, đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn, không thể phục hồi được thì thực hiện khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Sau khi khai thác, tận thu, chủ rừng sẽ phải trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.

Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, Thứ trưởng chỉ đạo, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đổ, gãy. Đồng thời, vệ sinh rừng rừng, phòng chống cháy rừng.

Còn với diện tích rừng tự nhiên bị gãy, đổ do bão số 3 và hoàn lưu sau bão sẽ được bảo vệ, áp dụng biện pháp khoanh nuôi bảo vệ, phục hồi rừng sau bão.

Nguy cơ giảm chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu sau bão số 3

Trả lời câu hỏi về việc liệu rừng tự nhiên bị gãy đổ sau bão số 3 liệu có được khai thác hay không, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết: "Rừng tự nhiên, cơ bản là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trước mắt cần thực hiện dọn các vật liệu cháy để giảm thiểu cháy rừng, phá rừng cũng như ngăn chặn việc lợi dụng để khai thác trái phép".

Hiện nay, chúng ta chưa có chưa có chủ trương đối với việc khai thác hay tận thu dân dụng. Do đó, ông Trị đề nghị các địa phương đặc biệt lưu ý, quan tâm đến nội dung này. Đặc biệt trong bối cảnh sau bão số 3, vật liệu cháy còn lại tàn dư rất lớn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo các chủ rừng, các cơ quan Nhà nước chỉ đạo, có các giải pháp phòng chống cháy rừng.

Rừng tự nhiên bị thiệt hại sau bão có được khai thác không?- Ảnh 3.

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp ngành lâm nghiệp ủng hộ khắc phục thiệt hại do bão số 3.

Về công tác chuẩn bị giống để phát triển rừng, Thứ trưởng nhấn mạnh cần rà soát lại các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án sản xuất, hỗ trợ cây giống trồng lại rừng. Khẩn trương khắc phục, sửa chữa, tiêu độc khử trùng các vườn ươm để đưa vào sản xuất.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng nhấn mạnh việc khôi phục sản xuất chế biến lâm sản. "Tôi đề nghị các đơn vị thu mua các các cây đổ, gãy của rừng trồng để làm nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ, nhất là sản xuất dăm, không để tình trạng hạ giá bản, ép giá".

Có kế hoạch chuẩn bị gỗ nguyên liệu cho chế biến thông qua tăng cường thu mua gỗ rừng trồng ở các địa phương khác; giảm xuất khẩu gỗ nguyên liệu ra nước ngoài; tăng nhập khẩu thêm gỗ nguyên liệu từ nước ngoài.