Sẵn sàng cho Chương trình nghệ thuật “Hồn sen Việt- Hương sắc Chăm Pa” tại xứ sở “Triệu Voi”

Hoàng Huyền
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào, tối 18/7, tại Cung Văn hóa Quốc gia Lào, thủ đô Viêng Chăn của đất nước Lào xinh đẹp, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hồn sen Việt- Hương sắc Chăm Pa” sẽ chính thức diễn ra. Đến thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, mọi công tác chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật tại Lào cơ bản đã được Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam hoàn tất những khâu cuối cùng với sự hỗ trợ rất tích cực từ phía các bạn Lào.

san-sang-cho-chuong-trinh-nghe-thuat-hon-sen-viet-huong-sac-cham-pa-tai-xu-so-trieu-voi1-dulichgiaitri-van-hoa-1658130334.jpg
Cung văn hóa quốc gia Lào - nơi sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật "Hồn sen Việt- Hương sắc Chăm Pa" vào tối 18/7

Sự hỗ trợ tích cực từ phía các bạn Lào

Ngay sau khi đoàn công tác vừa xuống sân bay Quốc tế Wattay, thủ đô Viêng Chăn, Lào, các nhạc cụ biểu diễn của đoàn nghệ thuật Việt Nam đã được phía các bạn Lào hỗ trợ, vận chuyển về Cung văn hóa quốc gia Lào để các nghệ sĩ có thể sớm làm quen sân khấu, chạy thử chương trình.

Có mặt tại Cung văn hóa quốc gia Lào từ rất sớm, NSƯT Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ của nhà hát chỉ được nghỉ ngơi trong buổi tối đầu tiên đặt chân đến Lào. Đến sáng sớm 17/7, tất cả các bộ phận đã tập trung đầy đủ để tập luyện cho buổi tổng duyệt cuối cùng.

san-sang-cho-chuong-trinh-nghe-thuat-hon-sen-viet-huong-sac-cham-pa-tai-xu-so-trieu-voi2-dulichgiaitri-van-hoa-1658130361.jpg
NSƯT Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam chia sẻ với báo chí về công tác chuẩn bị chương trình nghệ thuật

NSƯT Hải Linh cho biết, đoàn nghệ thuật Việt Nam đã sang biểu diễn rất nhiều lần tại Lào nên gần như không có khó khăn gì quá lớn. Một vấn đề nhỏ là tại rạp đang dựng vở mới nên sân khấu khá rộng và sâu khiến khán giả ngồi hàng sau rất khó xem đầy đủ. Nhưng với sự giúp đỡ từ phía các bạn Lào, phương án tối ưu nhất đã được đưa ra đó là đóng thêm một bục diễn trên sân khấu giúp kéo gần khoảng cách giữa khán giả và các nghệ sĩ hơn.

Về nội dung chương trình nghệ thuật, NSƯT Hải Linh cho biết, sau khi tiếp nhận các ý kiến của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Nhà hát cũng có điều chỉnh một số tiết mục để làm mới, giúp không khí chương trình sôi động hơn. Tuy nhiên, dù có thay đổi một vài chi tiết nhưng vẫn trên nền tảng, thông điệp chung gửi gắm đến các bạn Lào và người Việt Nam tại Lào đó là nêu cao tình hữu nghị của hai đất nước, tình đoàn kết cũng như giới thiệu văn hóa đặc trưng của Việt Nam.

san-sang-cho-chuong-trinh-nghe-thuat-hon-sen-viet-huong-sac-cham-pa-tai-xu-so-trieu-voi3-dulichgiaitri-van-hoa-1658130385.jpg
NSƯT Trường Bắc chỉ đạo các nghệ sỹ luyện tập cho chương trình

"Từ trước đến nay, những chương trình mang đi biểu diễn ở nước ngoài điều đầu tiên và quan trọng nhất chúng tôi phải chú ý đó yếu tố đặc sắc của dân tộc. Tuy nhiên, cũng có những nơi chúng ta phải mang đi sự tươi mới, thay đổi, trẻ trung. Ví dụ như những nước láng giềng của chúng ta là Lào, Campuchia…họ rất hiểu văn hóa của mình, có nhiều người nước họ cũng đã học tập và sinh sống ở nước chúng ta. Những người này họ đã có cả quá trình giao lưu văn hóa với chúng ta cả mấy chục năm rồi, rất lâu dài. Vì vậy, đối với chương trình biểu diễn ở Lào lần này, mục tiêu chúng tôi là vẫn phải giữ được tất cả cái hồn, nét dân tộc nhưng cũng phải sinh động về nhịp điệu" - NSƯT Hải Linh chia sẻ.

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi ngắn ngủi để chia sẻ với chúng tôi, NSƯT Trường Bắc cho biết, so với chương trình của năm 2019 cũng biểu diễn tại Lào, chương trình lần này đặc sắc hơn, quy mô hoành tráng hơn khi được kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc điện tử. Chương trình hướng đến đối tượng khán giả rộng hơn, không chỉ là những người thích âm nhạc dân tộc mà cả những người thuộc thế hệ trẻ hiện nay. Đây là tính đột phá của chương trình năm nay.

san-sang-cho-chuong-trinh-nghe-thuat-hon-sen-viet-huong-sac-cham-pa-tai-xu-so-trieu-voi4-dulichgiaitri-du-lich-1658130436.jpg
Các nghệ sỹ múa luyện tập tại Cung văn hóa quốc gia Lào

"Chúng tôi đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ thị hiếu của giới trẻ Lào, họ nghe nhạc rất văn minh. Các tác phẩm của Lào nếu chúng ta vẫn giữ nguyên bản phối cũ sẽ dễ gây nhàm chán, nên chúng tôi đã cho phối lại theo hơi thở mới của thời đại. Hy vọng, đây sẽ là bó hoa tươi thắm dâng lên các thế hệ lãnh đạo Đảng, nhân dân hai nước đã dày công vun đắp, kết nối tình đoàn kết giữa Việt Nam - Lào" - NSƯT Trường Bắc bày tỏ.

Mang Xẩm đến với Lào

Một trong những tác phẩm rất ấn tượng và được khán giả chờ đợi tại chương trình nghệ thuật lần này đó là Xẩm Hà Nội do ca sĩ Hà Mio biểu diễn. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc được sáng tạo phối lại theo hơi hướng của giới trẻ hiện đại. Tác phẩm này đã được ca sỹ Hà Mio mang đi biểu diễn ở rất nhiều nơi, phổ biển trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội.

san-sang-cho-chuong-trinh-nghe-thuat-hon-sen-viet-huong-sac-cham-pa-tai-xu-so-trieu-voi9-dulichgiaitri-van-hoa-1658130905.jpg
Ca sĩ Hà Mio

Bày tỏ cảm xúc khi lần đầu tiên đưa ca khúc này ra biểu diễn ở nước ngoài, Hà Mio chia sẻ, bản thân rất vui, tự hào khi có cơ hội mang một bài hát của cá nhân mình, một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, rất đặc trưng, một nét đẹp văn hóa của Việt Nam đến giới thiệu với nước bạn. Hi vọng thông qua ca khúc này, bạn bè quốc tế sẽ có cách nhìn nhận cụ thể hơn về những nét đẹp văn hóa, đặc trưng của nghệ thuật Xẩm Việt Nam.

Bày tỏ sự háo hức cho chuyến lưu diễn đầu tiên ở nước bạn Lào, ca sỹ Kiều Oanh cho biết, tại chương trình nghệ thuật lần này cô sẽ biểu diễn ca khúc "Viêng Chăn tươi đẹp" bằng tiếng Lào. Bài hát này này có bản gốc rất nhẹ nhàng nhưng đã được các phối lại mới cho vui tươi, trẻ trung hơn. Và để hát được bài hát này, Kiều Oanh đã mất rất nhiều thời gian để tập luyện cách phát âm, cách thức thể hiện để làm sao vừa làm lạ mắt khán giả nhưng không bị sai những lỗi cơ bản nhất.

san-sang-cho-chuong-trinh-nghe-thuat-hon-sen-viet-huong-sac-cham-pa-tai-xu-so-trieu-voi5-dulichgiaitri-van-hoa-1658130591.jpg
Ca sỹ Kiều Oanh

Chia sẻ thêm, Kiều Oanh cho biết bản thân cảm thấy rất tự hào khi là một trong những người đại diện cho văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam sang giới thiệu ở nước bạn Lào. "Trong quá trình giao lưu văn hóa, học hỏi, em thấy rằng văn hóa Lào khá giống Việt Nam, những động tác múa Lam vông rất đẹp và giống người Chăm của mình. Đặt chân đến đây em cảm thấy mọi thứ quen thuộc như ở Việt Nam. Em và tất cả các nghệ sĩ của Nhà hát đang rất mong chờ đến thời gian biểu diễn" - Kiều Oanh chia sẻ.

Dù là lần thứ 2 tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật trong Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Lào và nhiều chương trình khác tại xứ sở Triệu Voi, nhưng với ca sỹ Phương Thảo, cảm xúc của cô vẫn trọn vẹn như ngày đầu tiên: "Đất nước Lào trong tôi luôn tươi đẹp và yên bình, có nền văn hóa đa sắc. Con người nơi đây chất phác, thật thà và hồn hậu. Tất cả hòa quyện như một bức tranh vừa thân thương, vừa bí ẩn khiến bất cứ ai đến đây đều có những ấn tượng đặc biệt".

san-sang-cho-chuong-trinh-nghe-thuat-hon-sen-viet-huong-sac-cham-pa-tai-xu-so-trieu-voi7-dulichgiaitri-van-hoa-1658130512.jpg
Biên đạo múa, NSƯT Phạm Quỳnh Dương - Nhà hát ca múa nhà Việt Nam có mặt từ rất sớm tại Cung văn hóa quốc gia Lào để hướng dẫn các nghệ sỹ múa làm quen sân khấu

Tại "Hồn sen Việt- Hương sắc Chăm Pa", ca sỹ Phương Thảo tham gia một ca khúc tiếng Lào có cả dịch lời Việt, một tiết mục song ca cùng ca sĩ Minh Đức viết về anh lính tình nguyện và cô gái Lào. Cô hy vọng rằng, với các tiết mục rất sinh động, trẻ trung, mới mẻ của các nghệ sĩ Nhà hát ca múc nhà Việt Nam, chương trình nghệ thuật lần này sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các khán giả Việt - Lào.

Với thời lượng hơn 60 phút, Chương trình nghệ thuật "Hồn sen Việt- Hương sắc Chăm Pa" là một bức tranh tổng hòa ngợi ca mối tình thủy chung son sắt giữa hai đất nước Việt- Lào anh em; đồng thời ghi dấu mốc son lịch sử quan trọng trong quan hệ truyền thống, láng giềng, hữu nghị giữa hai quốc gia.

Chương trình nghệ thuật có hai chủ đề đó là: Đất nước tình yêu và Hoa thắm đẹp tươi. Chủ đề thứ nhất với nhiều tiết mục thuật đặc sắc, tôn vinh văn hóa truyền thống của hai nước Việt – Lào. Chủ đề thứ hai gồm các tiết mục về sự đổi mới của hai đất nước, hòa trong dòng chảy chung của thời đại mới và hội nhập quốc tế.

Thế Công