Sau dư chấn động đất Myanmar, Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát toàn bộ chung cư ở TP.HCM

Admin
Dư chấn từ trận động đất tại Myanmar đã làm không ít cao ốc ở Việt Nam rung lắc, đồng thời xuất hiện tình trạng hàng trăm căn hộ ở một chung cư bị nứt tường, bong tróc nền nghi do rung chấn.

Liên quan đến hàng trăm căn hộ chung cư tại TP.HCM bị nứt tường nghi do rung chấn động đất từ Myanmar, Bộ Xây dựng vừa yêu cầu rà soát toàn bộ chung cư trên địa bàn.

Lãnh đạo Cục Giám định Nhà nước về các công trình (thuộc Bộ Xây dựng) cho biết Bộ đã có công văn gửi UBND TP.HCM yêu cầu báo cáo tình trạng hàng trăm căn hộ ở chung cư Diamond Riverside, đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, bị nứt tường, bong tróc nền nghi do rung chấn từ trận động đất vừa qua.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu rà soát toàn bộ các chung cư trên địa bàn liên quan đến phòng, chống động đất.

Sau dư chấn động đất Myanmar, Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát toàn bộ chung cư ở TP.HCM- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Dư chấn từ trận động đất mạnh 7,7 độ richter tại Myanmar hôm 28/3 đã làm không ít cao ốc ở Việt Nam rung lắc, trong đó có khu chung cư Diamond Riverside. Theo đại diện Ban quản trị tòa nhà này, đơn vị đã tiếp nhận nhiều phản ánh của cư dân về việc căn hộ xuất hiện các vết nứt ở tường, gạch nền bị phồng rộp…

Ban quản trị chung cư đã báo cáo chính quyền địa phương, Sở Xây dựng TP.HCM để phối hợp kiểm tra và lên phương án xử lý. Kết quả ghi nhận hơn 340 căn hộ bị nứt tường, một số vị trí hành lang, sân thượng có nền bị phồng, bong gạch.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã phối hợp với địa phương kiểm tra nhiều trường hợp người dân phản ánh có rung lắc tại các tòa nhà chung cư khác.

Qua kiểm tra chưa có trường hợp nào nứt như chung cư Diamond Riverside. Hiện Sở cũng đã yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức báo cáo về tình hình, mức độ ảnh hưởng sau dư chấn động đất.

Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết các công trình tại Việt Nam đều tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về chống động đất.

Để thực hiện thiết kế công trình chống động đất, các chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế cần tuân theo các bước từ đánh giá nguy cơ động đất, tính toán tải trọng động đất có thể tác động lên công trình có kể đến các yếu tố như độ cứng của đất, cấu trúc địa chất, và độ cao của công trình.

Thiết kế cấu trúc của công trình phải đảm bảo khả năng chống chịu được động đất. Cấu trúc này bao gồm các hệ thống khung chịu lực, tường cứng, lõi cứng và các giải pháp kỹ thuật khác nhằm tăng cường độ bền vững của công trình.

Sau khi hoàn thành thiết kế, chủ đầu tư cần nộp hồ sơ để cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định để làm cơ sở phê duyệt thiết kế. Quá trình này đảm bảo rằng thiết kế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và an toàn.

Trong quá trình thi công, việc tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất phải được tuân thủ chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng đối với các khu chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, thậm chí các tòa nhà được xếp loại D (phải di dời) tại Hà Nội, TP.HCM đều xây dựng trước khi có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về động đất. Do đó, nếu các công trình này không được gia cố thì có nguy cơ nứt, thậm chí sụp đổ khi xảy ra động đất và rung chấn mạnh.

"Các công trình này cần được gia cố ngay sẽ tăng khả năng chịu động đất. Tuy nhiên, chi phí gia cố các tòa nhà cũ tốn kém và ai là người chịu trả chi phí đó mới vấn đề", ông Thịnh nói.

Minh Đức (Theo ZNews, Tiền Phong)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Động đất Myanmar: Nỗ lực tìm kiếm sự sống dưới đống đổ nát không dừng lại sau 72 “giờ vàng”Động đất Myanmar: Nỗ lực tìm kiếm sự sống dưới đống đổ nát không dừng lại sau 72 “giờ vàng”
Tham khảo thêm
Động đất Myanmar: Số người thiệt mạng có thể lên tới 10.000Động đất Myanmar: Số người thiệt mạng có thể lên tới 10.000