Sau khi mắc Covid-19 test nhanh ra một vạch liệu đã an toàn?

Admin
Rất nhiều F0 khi điều trị tại nhà nôn nóng muốn biết tình trạng bệnh của mình nên thường xuyên test nhanh. Vậy bao lâu sau mắc Covid-19 thì an toàn?

Vẫn cần theo dõi thêm

Thực tế hiện nay có rất nhiều bệnh nhân Covid-19 chỉ sau 4-5 ngày, thậm chí 2-3 ngày đã hết các triệu chứng, xét nghiệm âm tính, nghĩ rằng mình đã khỏi bệnh, có thể an tâm quay trở lại sinh hoạt, làm việc. Tuy nhiên, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ trên Zing: “Những người này cũng có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV sớm và cho tự cho rằng bản thân đã khỏi bệnh, từ đó thoải mái trở lại sinh hoạt, làm việc. Tuy nhiên, quan điểm này chưa chính xác”, bác sĩ Phúc khẳng định.

Bác sĩ Phúc nhấn mạnh sau 10 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân Covid-19 mới được coi là an toàn. Nguyên nhân đầu tiên là việc test nhanh cho kết quả âm tính chưa thể khẳng định cơ thể đã sạch virus.

“Nếu độ nhạy của test không cao hoặc việc lấy mẫu không đúng quy trình cũng như kỹ thuật, sai vị trí, kit test sẽ không hiển thị kết quả chính xác”, bác sĩ Phúc nói.

Ngoài ra, trong trường hợp test nhạy, người lấy mẫu làm đúng và cho kết quả âm tính, việc cơ thể hết virus cũng không đồng nghĩa bệnh sẽ không diễn biến nặng trong thời gian sau đó.

Cụ thể, bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng sẽ phải trải qua 3 pha gồm: Nhiễm cấp, phổi và miễn dịch. Pha nhiễm cấp được tính trong khoảng 0-5 ngày đầu tiên kể từ khi khởi phát triệu chứng. Lúc này, SARS-CoV-2 bắt đầu tấn công cơ thể và nhân lên nhanh chóng. Virus có thể xuất hiện ở hầu hết dịch xét nghiệm. Do đó, tỷ lệ phát hiện dương tính rất cao.

Pha phổi sẽ diễn ra từ ngày thứ 5 đến 10 kể từ thời điểm phát hiện triệu chứng. Ở giai đoạn này, tải lượng virus sẽ giảm đáng kể, từ đó nhiều khả năng cho kết quả xét nghiệm âm tính.

“Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn nCoV có thể tấn công vào phổi”, bác sĩ Phúc lưu ý.

Giai đoạn cuối cùng là pha miễn dịch chủ yếu liên quan bệnh nhân viêm phổi ARDS, có sốc,... và phải điều trị tại các đơn vị hồi sức cấp cứu.

Như vậy, qua 10 ngày mà bệnh nhân không có triệu chứng bất thường, SpO2 ổn định, tức là virus không tấn công vào phổi, lúc này mới có thể an tâm được.

Những người cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc-xin có nguy cơ trở nặng. Theo đó, nhóm này nên theo dõi sức khỏe, đặc biệt là chỉ số SpO2, đến khi đủ 10 ngày. Đối cới những người trẻ, đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 ít có nguy cơ hơn, tuy nhiên vẫn nên theo dõi sức khỏe.

Bên cạnh đó, một số người lo lắng vì sau 10 ngày khởi phát triệu chứng vẫn có kết quả dương tính. Thực tế, âm tính hay dương tính không là vấn đề đáng lo nếu bạn đã qua đủ thời gian nói trên. Thứ nhất, về nguy cơ trở nặng, kết quả xét nghiệm vẫn dương tính nhưng đã qua 10 ngày thì không còn nguy cơ diễn tiến nặng nữa. Thứ hai, về khả năng lây, người ta cũng chứng minh sau 10 ngày kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên, nguy cơ lây rất thấp, gần như không có. Như vậy, bạn không cần lo lắng nếu gặp tình huống trên.

Sức khỏe - Sau khi mắc Covid-19 test nhanh ra một vạch liệu đã an toàn?

Lúc test nhanh ra vạch đậm hay mờ chỉ có ý nghĩa xác định nồng độ vi-rút, khả năng lây của bạn cao hay thấp, không liên quan đến khả năng trở nặng. Ảnh minh họa.

Vì sao bị hậu Covid-19?

Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề hậu Covid-19, tuy nhiên có giả thiết cho rằng, với F0 thể nhẹ sau khi khỏi bệnh, cơ thể sinh ra các kháng thể tự miễn, tấn công và chống lại cơ thể mình, gọi là phản ứng tự miễn gây ra tình trạng viêm. Còn với bệnh nhân tương đối nặng, có tình trạng đông máu, tắc mạch sau đó cục máu đông trôi đi, gây tình trạng tắc các vi mạch ở nơi khác.

Đồng quan điểm này, BS Hoàng - người hàng ngày trực tiếp tư vấn cho hơn 100 F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà - nhận định nguyên nhân của biểu hiện này có thể là tình trạng hậu quả viêm toàn thân do Covid-19 "phát tác" sau khi bệnh nhân âm tính, kết hợp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng.

Cũng theo BS Hoàng, tình trạng viêm toàn thân lan toả này khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm. Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân vẫn còn. Trên các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông có thể gây ra những nguy cơ như đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi... còn trên các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức giảm đi.

Hai vấn đề này (viêm toàn thân và rối loạn đông máu) ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, gây ra tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu não. Lúc này khả năng điều chỉnh đường máu, điện giải (như natri, kali, clo, canxi...) khiến khả năng co bóp của cơ, khả năng dẫn truyền thần kinh suy giảm, nên bệnh nhân cảm thấy tay chân yếu, sức lực giảm, không còn sung sức trước...

Cách ngăn chặn Covid-19 lây lan:

Giữ khoảng cách an toàn với người khác (ít nhất 1 mét), kể cả khi họ không có biểu hiện bệnh.

Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nhất là khi ở trong nhà hoặc khi không thể giữ khoảng cách.

Chọn những không gian mở, thông thoáng thay vì những không gian kín. Mở cửa sổ nếu ở trong nhà.

Thường xuyên rửa tay. Dùng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn.

Tiêm vắc-xin khi đến lượt. Tuân thủ chỉ dẫn của địa phương về việc tiêm vắc-xin .

Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che mũi và miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay.

Ở nhà khi bạn cảm thấy không khỏe.

Trúc Chi (t/h)