
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, lần sửa đổi này là dịp để chúng ta thực hiện một cuộc điều chỉnh căn bản, toàn diện đối với Luật Giáo dục đại học - Ảnh:VGP/Tuệ Lâm
Ngày 14/5, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm "Tham vấn chính sách về xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)" với sự tham gia của nhiều chuyên gia và nhà quản lý giáo dục.
6 nhóm chính sách trọng tâmPhát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, buổi tọa đàm này có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Bộ GDĐT được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi Luật Giáo dục đại học - một nhiệm vụ mang tính then chốt và là cơ hội lớn cho toàn ngành giáo dục.
Ông cho biết, trong những năm qua, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn tồn tại những bất cập cần giải quyết. Việc sửa đổi Luật nhằm tạo động lực phát triển và đồng thời đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Lần sửa đổi này là dịp để chúng ta thực hiện một cuộc điều chỉnh căn bản, toàn diện đối với Luật Giáo dục đại học, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua".
Trong khuôn khổ tọa đàm, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào sáu nhóm chính sách trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, bao gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; hiện đại hóa chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy học tập suốt đời; định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo;
Huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư; phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc; đổi mới quản trị chất lượng trong đảm bảo chất lượng giáo dục.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh cần khuyến khích xã hội hóa và cải thiện môi trường học thuật, phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm
Tháo gỡ điểm nghẽn trong giáo dục đại học
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Tiến Thảo đã trình bày về nguyên tắc xây dựng Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Theo đó, việc sửa đổi Luật được thực hiện trên nguyên tắc thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và kế thừa các kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời khắc phục những vướng mắc pháp lý còn tồn tại.
Mục tiêu là tăng cường quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, gắn với trách nhiệm giải trình; đổi mới trong quản trị và nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, phát triển giáo dục mở và học tập suốt đời. Bên cạnh đó, cần khuyến khích xã hội hóa và cải thiện môi trường học thuật, phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả.

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đề nghị các văn bản dưới Luật có liên quan cần được xây dựng đồng bộ, để Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm
Tại tọa đàm, đại diện các trường đại học đã nêu ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trong giáo dục đại học.
Các ý kiến tập trung vào việc làm rõ các nội hàm, thuật ngữ trong dự thảo, đồng thời thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp để gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Một số ý kiến cũng nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của hội đồng trường trong quản lý và kiểm định chất lượng đào tạo, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp hệ thống giáo dục đại học vận hành hiệu quả hơn.
Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các đại biểu, đồng thời khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo. Ông nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc phổ biến các chủ trương, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Truyền thông cần chọn lọc và phản ánh đúng tinh thần sửa đổi, lắng nghe các ý kiến phản biện mang tính xây dựng.
Việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, mở ra cơ hội phát triển mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Tuệ Lâm