Sáng 24/4, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam" đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước. Mục tiêu của sự kiện là chia sẻ các bài học kinh nghiệm, mô hình hiệu quả từ quốc tế, đồng thời thảo luận khả năng áp dụng phù hợp vào thực tiễn tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Lê Công Thành nhấn mạnh: "Ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh".

Thứ trưởng Bộ NN&MT Lê Công Thành (Ảnh: Khương Trung).
Theo ông Thành, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại hai thành phố lớn thường xuyên duy trì ở mức trung bình và có xu hướng xấu đi trong thời gian gần đây. Nồng độ bụi mịn PM2.5 nhiều thời điểm vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và cao hơn đáng kể so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ mang tính mùa vụ mà còn có tính lan tỏa về mặt không gian, tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển kinh tế – xã hội và chất lượng sống của người dân", ông Thành nói thêm.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định bao gồm khí thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hoạt động xây dựng và cải tạo đô thị thiếu kiểm soát, phát thải công nghiệp, đốt rơm rạ và các loại sinh khối ngoài trời...
Tại Hà Nội, mức độ ô nhiễm thường tăng cao trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, do các yếu tố thời tiết bất lợi như nghịch nhiệt, ít gió, ít mưa. Trong khi đó, ở Thành phố Hồ Chí Minh, mật độ giao thông dày đặc và hoạt động công nghiệp được cho là nguyên nhân chính gây suy giảm chất lượng không khí.

từThứ trưởng Bộ NN&MT cho rằng, trong kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ mà còn cam kết hành động vì môi trường sống xanh, sạch và bền vững.
Trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường (đầu mối là Cục Môi trường) đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá dữ liệu, xây dựng các mô hình hóa và kịch bản dự báo ô nhiễm không khí.
"Hiện tại chúng tôi đang chạy thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc", ông Thành nói.
Nhấn mạnh vai trò của môi trường trong tiến trình phát triển quốc gia, Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi: "Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải hành động để giữ gìn bầu trời xanh, bảo vệ sức khỏe người dân và hướng tới một môi trường sống bền vững".
Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi cho rằng, giải quyết ô nhiễm không khí là bước đi thiết yếu để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
"Ứng phó với ô nhiễm không khí có liên hệ chặt chẽ với các nỗ lực của chúng tôi trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng. Điều này thể hiện cam kết chung của chúng tôi trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của ô nhiễm không khí", bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Bà Ramla Khalidi - Đại diện UNDP tại Việt Nam (Ảnh: Khương Trung).
Tuy nhiên, bà Khalidi cũng lưu ý rằng, để xử lý hiệu quả vấn đề này, cần một nền tảng tri thức vững chắc hơn. "Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện hệ thống quan trắc và dự báo, đồng thời củng cố dữ liệu thống kê về phát thải – đây sẽ là cơ sở khoa học để định hướng chính sách và hành động", đại diện UNDP tại Việt Nam nói.
Bên cạnh đó, bà Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cảnh báo: "Chất lượng không khí kém là một trong những rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay. Nếu không hành động sớm, hậu quả sẽ làm xói mòn những thành tựu y tế mà chúng ta đã nỗ lực đạt được trong nhiều thập kỷ."
Dẫn ví dụ từ thực tiễn, ông Shaojun Zhang từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Kinh - nơi từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải từ phương tiện giao thông tại Trung Quốc.
Nhờ vào việc thực hiện đồng bộ các tiêu chuẩn khí thải, tiêu chuẩn nhiên liệu và ứng dụng công nghệ kiểm soát tích hợp giữa phương tiện - nhiên liệu - giao thông, thành phố này đã cắt giảm tới 94–99% lượng khí thải ô nhiễm từ xe cộ so với kịch bản không kiểm soát.
Ông Zhang cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào giao thông công cộng, phát triển phương tiện năng lượng mới (NEV) và giám sát khí thải theo thời gian thực bằng công nghệ hiện đại. "Việc xác định và kiểm soát các nguồn phát thải lớn cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn phát triển tiếp theo," ông đề xuất.