Hiệu quả từ các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật cho công nhân lao động

Admin
(PNTĐ) - Ngày 23/4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội chủ trì Hội thảo.
Hiệu quả từ các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật cho công nhân lao động - ảnh 1
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết xác định việc đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật giúp đội ngũ đoàn viên, CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đã từng bước nâng cao nhận thức, không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm bản thân, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ vị trí việc làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã và đang phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ nhất là CNLĐ các doanh nghiệp như: Mô hình Tủ sách Công đoàn, Mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Mô hình Điểm sinh hoạt Công đoàn, “Không gian xanh, Góc thư giãn Công đoàn”, Không gian xanh - Góc thư giãn Công đoàn, mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Mô hình đào tạo hạt nhân văn hóa cơ sở, Mô hình tuyên truyền, giải đáp pháp luật, Mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Mô hình Bản tin sinh hoạt Công đoàn, Mô hình xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa,...

Hiệu quả từ các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật cho công nhân lao động - ảnh 2

Cán bộ công đoàn cơ sở chia sẻ về các mô hình tuyên truyền, vận động công nhân hiệu quả tại cơ sở

Có thể khẳng định rằng các mô hình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, tổ chức Công đoàn giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, CNVCLĐ còn tồn tại một số hạn chế như: Việc tổ chức các mô hình, hội nghị tuyên truyền tại các doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện, thời gian làm việc của CNLĐ bị phụ thuộc, chi phối như phải có sự đồng ý của lãnh đạo doanh nghiệp;  Việc đổi mới nội dung, phương thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, PBGDPL chưa rõ nét; nhiều đơn vị chưa mạnh dạn nghiên cứu xây dựng các mô hình tuyên truyền pháp luật phù hợp với đặc thù, tính chất công việc của người lao động; Cán bộ Công đoàn các cấp còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên còn có đơn vị chưa quan tâm đúng mức cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và cởi mở, đã có 12 ý kiến tham luận tại Hội thảo chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, những điểm mạnh, điểm hạn chế của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động; Thực trạng hiểu biết pháp luật, trình độ kỹ năng nghề nghiệp và tác phong công nghiệp của đoàn viên, người lao động và những giải pháp phát huy có hiệu quả các mô hình pháp luật hiện có đồng thời xây dựng các mô hình mới cho cán bộ, đoàn viên, CNLĐ.

Đã có nhiều mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, nâng cao đời sống tinh thần trong công nhân lao động tại doanh nghiệp và nơi sinh sống; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ được chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam chia sẻ về mô hình hệ thống truyền thanh nội bộ – tuyên truyền nhanh, lan tỏa rộng. Thông tin được truyền tải trên hệ thống truyền thanh nội bội, phát các bản tin pháp luật, câu chuyện pháp lý đơn giản, dễ hiểu cho người lao động khi ăn ca.

Để nâng cao  hiệu quả trong việc tuyên truyền về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường,…, Công ty đã  lồng ghép thông tin pháp luật, các bản tin thời sự và âm nhạc giải trí để người lao động hứng thú tiếp nhận thông tin.

Hiệu quả từ các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật cho công nhân lao động - ảnh 3

Trong khuôn khổ Chương trình, các đại biểu dự Hội thảo được tham quan thực tế các mô hình tuyên truyền hiệu quả trong doanh nghiệp, khu công nghiệp Quang Minh.

LĐLĐ quận Đống Đa – một trong những đơn vị tiên phong trong phong trào chuyển đổi số chia sẻ hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ. LĐLĐ Quận đã xây dựng và phát triển nhanh fanpage “Công đoàn Đống Đa” ” và “Cộng đồng Công đoàn Đống Đa”. Tổ chức sự kiện trực tuyến, hội nghị, hội thảo và sự kiện trực tuyến Sử dụng các nền tảng như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet.  Triển khai văn bản qua địa chỉ hòm thư, zalo nhóm CĐCS,  báo cáo qua đường link phục lục số liệu giúp rút ngắn thời gian báo cáo, hạn chế thấp nhất các giấy tờ. 100% tiền khen thưởng, trợ cấp cho đoàn viên, người lao động được chuyển qua tài khỏa ngân hàng thông qua form google, ứng dụng nhắn tin điện tử....

Nhiều chủ nhà trọ công nhân chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành và hướng dẫn chủ nhà trọ công nhân, Tổ trưởng các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân tổ chức hoạt động.

Tiếp thu toàn bộ ý kiến tại Hội thảo, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp, có biện pháp triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, người lao động, chú trọng các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, tạo chuyển biến cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, hạn chế rủi ro pháp lý, giảm thiểu tranh chấp lao động.