Tăng cường nhân lực xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão số 3

Admin
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã xử lý, khắc phục, bảo đảm công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn TP. Hà Nội, vận hành Khu xử lý chất thải tập trung của thành phố sau cơn bão số 3.

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản về xử lý, khắc phục, bảo đảm công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn thành phố và vận hành các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố sau cơn bão Yagi.

Tăng cường nhân lực xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão số 3- Ảnh 1.

Dọn dẹp vệ sinh môi trường vào sáng 14/9 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Mai Anh

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện nay, trên nhiều tuyến phố, khu dân cư vẫn còn nhiều cành, lá cây, vật liệu hư, đổ sau bão chưa được thu dọn, vận chuyển tới khu xử lý tập trung của thành phố, ảnh hưởng đến giao thông, môi trường, mỹ quan đô thị.

Hà Nội phát động đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trườngQuận Hoàn Kiếm: Khẩn trương tổng vệ sinh môi trường 2 phường ngoài đê khi nước rútThanh niên tình nguyện hỗ trợ tổng vệ sinh sau bão số 3Chủ tịch Hà Nội: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão

Tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, do ảnh hưởng của bão, mưa nên còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành.

Để xử lý, khắc phục và bảo đảm công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn thành phố và vận hành các khu xử lý chất thải tập trung sau cơn bão Yagi, Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn tập trung nhân lực, phương tiện thu dọn, vận chuyển rác trên địa bàn về khu xử lý tập trung của thành phố.

Có phương án khử khuẩn, che phủ, bảo đảm vệ sinh môi trường; bảo đảm an toàn, vệ sinh trong vận hành các xe thu gom, vận chuyển rác; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) trong tiếp nhận chất thải sinh hoạt về các khu tập trung đảm bảo thông suốt, an toàn.

Đối với các địa bàn quận, huyện có tồn đọng rác chưa kịp vận chuyển tới khu xử lý tập trung, chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị thu gom, vận chuyển vào điểm tập kết tạm thời; có giải pháp che chắn nước mưa và phát sinh nước rác, thường xuyên phun chế phẩm khử mùi, diệt ruồi, muỗi bảo đảm vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Đối với khu vực thấp trũng có nguy cơ úng ngập, ngập lụt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh phát sinh dịch từ ô nhiễm chất thải, nước thải.

Đối với các khu vực còn ngập, lụt, UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương huy động lực lượng, đơn vị duy trì thu gom rác thải, có biện pháp khử khuẩn kịp thời và khẩn trương có phương án vận chuyển rác tồn đọng về khu xử lý chất thải tập trung ngay khi nước rút, để đảm bảo ổn định đời sống dân sinh.

Yêu cầu các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, tập trung tăng cường nhân lực, phương tiện thu dọn, vận chuyển rác phát sinh trên địa bàn về khu xử lý tập trung. Quản lý các vị trí tập kết rác thải đảm bảo không làm phát sinh ô nhiễm, đặc biệt là nước rác phát sinh.

UBND các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây được giao tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các đơn vị vận hành tại khu xử lý tập trung trên địa bàn, đảm bảo việc vận hành an toàn, ổn định và không để xảy ra các sự cố môi trường (sạt lở, rò rỉ nước rác…).

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được giao chỉ đạo các đơn vị vận hành khu xử lý 24/24h, có phương án điều phối hợp lý rác vào nhà máy và rác chôn lấp để đảm bảo tiếp nhận kịp thời và hết rác từ các địa bàn chuyển đến.

Đôn đốc, kiểm tra các đơn vị quản lý vận hành các khu xử lý tiếp tục thực hiện hàn vá vải, phủ bạt HDPE, vải dứa các diện tích bị hở do gió tốc tại các khu xử lý; tăng cường xử lý nước rỉ rác bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước rỉ rác tại Nam Sơn và Xuân Sơn.

Tiếp tục dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực bãi, điều phối hợp lý giữa chôn lấp và đốt rác bảo đảm xử lý hết khối lượng rác tồn trên địa bàn thành phố.

Thường xuyên nắm bắt, theo dõi diễn biến của thời tiết để chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành các khu xử lý tập trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có phương án phòng chống, ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Thùy Chi