Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Admin
(PNTĐ) - Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.

Tin liên quan

Mục đích xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh nhằm phát triển toàn diện con người

Nhiều kiến nghị thiết thực tại Toạ đàm phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Trực tiếp Tọa đàm Phát huy vai trò báo chí truyền thông với tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Vai trò quan trọng của báo chí Thủ đô trong triển khai Chỉ thị 30-CT/TU

Ngày 19/02/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó nêu rõ: “Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU (nhiệm kỳ Đại hội XVII)”.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh   - ảnh 1
Báo chí Thủ đô tích cực đăng tải các hình ảnh Người Hà Nội thanh lịch, văn minh 

Việc triển khai nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Nhiều sáng kiến, mô hình hay đem lại kết quả đáng ghi nhận như: Xây dựng phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”; “Thanh niên làm theo lời Bác”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động thủ đô “Tiên tiến, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, giữ gìn môi trường, thanh lịch, nhân ái”; xây dựng “Nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”... 

Quá trình triển khai nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan báo chí Thủ đô nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, góp phần vào sự nghiệp phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Ngay tại Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/02/2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu: “Tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới”.

Triển khai Chỉ thị 30-CT/TU, các cơ quan báo chí Thủ đô đã xây dựng kế hoạch, có nhiều cơ chế khuyến khích các nhà báo tăng cường sáng tạo, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu tạo nên các sản phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới. Phong trào thi đua xây dựng các loạt bài đa dạng về thể loại, phong phú về hình thức thể hiện, có chiều sâu giá trị tư tưởng, mang đậm hơi thở của cuộc sống, đủ tầm chất lượng tham dự các giải báo chí quốc gia và thành phố được đặc biệt chú trọng.

Bên cạnh đó,các cơ quan báo chí Thủ đô cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân. 

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, các cơ quan báo chí Thủ đô đã mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục, cuộc thi, tạo sân chơi nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân Thủ đô không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Đặc biệt, báo chí Thủ đô cũng chủ động vào cuộc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, cổ súy cho lối sống, văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hiến của Thủ đô... Cùng với đó, kịp thời tuyên dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các hành vi ứng xử đẹp của người dân Thủ đô, thông qua các tuyến bài viết về gương điển hình Người tốt, Việc tốt. 

Nhiều cơ quan báo đã linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng, đặc biệt chú trọng đến việc định hướng cho thế hệ trẻ Thủ đô, nhất là trên môi trường không gian mạng và các ứng dụng trên nền tảng số, nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực cho thế hệ trẻ.

Kinh nghiệm và bài học từ thành công của báo Hànộimới 

Tại Báo Hànộimới, phát huy vai trò là cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Đảng ủy cơ quan tòa soạn Báo Hànộimới và Ban Biên tập đã sớm quán triệt nội dung Chỉ thị số 30-CT/TU tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phổ biến tới từng đảng viên trong các Chi bộ trong cuộc sinh hoạt định kỳ hằng tháng và các đợt sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, cơ quan Báo đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Chỉ thị, trong đó yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu và nghiêm túc thực hiện; tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện các tiêu chí cho phù hợp với từng đơn vị. Đảng ủy, Ban Biên tập chỉ đạo, khuyến khích đảng viên cơ quan Báo tích cực tham gia sinh hoạt 2 chiều, vận động, hướng dẫn các khu dân cư, các gia đình tự giác thực hiện Chỉ thị, góp phần xây dựng, nhân rộng các mô hình “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” tại địa phương... 

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh   - ảnh 2
"Tiếp khách sáng mùng Một Tết" của tác giả Lê Ngọc Bích giành giải Nhất cuộc thi ảnh "Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh" năm 2018.

Trong hoạt động nội bộ của cơ quan, Đảng ủy, Ban Biên tập chú trọng xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng. Đặc biệt, luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nhân văn. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thủ đô phải nêu gương trong giao tiếp, ứng xử, tận tâm phục vụ nhân dân, trong thực thi công vụ, mẫu mực trong gia đình và cộng đồng nơi cư trú, góp phần lan tỏa các giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đến với người dân Thủ đô; thực hiện tốt nếp sống văn hóa nơi công sở gắn với xây dựng văn hóa tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, cơ quan báo tăng cường việc thực hiện các giải pháp tạo lập môi trường văn hóa đa dạng, phong phú, lành mạnh, nhân văn, sáng tạo. Khuyến khích phóng viên đặt bài cộng tác viên nhằm khai thác, phát huy tối đa tài nguyên văn hóa, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân... trên địa bàn thành phố, định hướng các đề tài khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. 

Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của tờ báo Đảng chủ lực ở Thủ đô, thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội đối với sự nghiệp phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Báo Hànộimới tích cực xây dựng, triển khai các tuyến tin, bài nhằm đề cao giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực... Các tuyến bài này được đăng tải trên cả 4 ấn phẩm của Báo Hànộimới, bao gồm Hànộimới (hằng ngày), Hànộimới Cuối tuần, Hà Nội Ngày nay, Hànộimới điện tử. Thông qua các tuyến tin, bài, một số nội dung được tập trung truyền tải, bao gồm: 

Thứ nhất, phát huy giá trị truyền thống của các thế hệ người Hà Nội, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.

Thứ hai, những chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện 02 Quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thứ ba, kịp thời phê phán những cá nhân, tập thể có hành vi xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng có những dự án, công trình quá chú trọng về các giá trị kinh tế mà chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn. 

Thứ tư, ngăn chặn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng; thái độ sùng bái đồng tiền, lối sống hưởng thụ, buông thả, không chú trọng xây dựng, phát triển thế hệ tương lai.

Thứ năm, lên án tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, đặc biệt là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nêu rõ nguy cơ tình trạng này sẽ làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, hạn chế tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng Thủ đô.

Cùng với đó, các ban chuyên môn, tiêu biểu là Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Chuyên san đã triển khai nhiều tuyến bài tuyên truyền công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với gia đình, cộng đồng trong việc xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người, giáo dục thẩm mỹ, thị hiếu, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, phát huy vai trò đối với sự nghiệp phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, các cơ quan báo chí Thủ đô nói chung, Báo Hànộimới nói riêng sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, Đảng ủy, Ban Biên tập các cơ quan báo tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ đạo thực hiện các tuyến bài nhằm xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. 

Hai là, dành thời lượng, dung lượng đáng kể cho các tuyến bài, thông tin về phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: Lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý...; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Chuyên san phối hợp tòa soạn báo in, tòa soạn báo điện tử, chủ động xây dựng và thực hiện các tuyến bài về nội dung xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống... cho thế hệ trẻ Thủ đô, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Bốn là, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chuyên mục trên Báo in và Báo điện tử nhằm đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường; kiên quyết ngăn chặn bạo lực và các tệ nạn học đường; nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội. Chú trọng thực hiện các loạt bài về việc đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô; truyền thông về “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn Hà Nội.

Năm là, tổ chức thực hiện các loạt bài có chất lượng, đủ tầm tham dự các cuộc thi lớn của quốc gia và thành phố, đặc biệt là Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Nội dung các tuyến bài về xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; giữ gìn, có văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, thể hiện sự lịch lãm, tinh tế, thân thiện, hiếu khách, ứng xử văn minh, luôn đề cao lòng tự trọng, gìn giữ và lan tỏa chữ “tín” với các đối tác trong và ngoài nước; kiên trì xây dựng người Hà Nội cao về trí tuệ, đẹp về nhân cách, xứng đáng là người dân Thủ đô, làm cho Hà Nội trở thành một “đô thị đáng sống”, điểm đến hấp dẫn về lịch sử, văn hóa và con người đối với du khách trong và ngoài nước.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh   - ảnh 3
Biểu diễn ca trù- di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận- tại Hà Nội

Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí Thủ đô đối với sự nghiệp phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Hànộimới sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các tuyến thông tin về sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua đó, góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị của người làm báo, tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nội dung Chỉ thị trên địa bàn toàn thành phố. Đặc biệt, luôn bám sát các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để truyền thông về việc triển khai Chỉ thị này trong toàn thành phố. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình, kịp tuyên truyền việc xây dựng các phong trào văn hóa và danh hiệu văn hóa phù hợp với tình hình thực tế. Kịp thời biểu dương các gương điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân trong công tác phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tất cả nhằm quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021): “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị của quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”./.

Nhà báo Mai Thị Kim Thoa (Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới)