Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn PrSM có thể được Lục quân Mỹ kết hợp với các UAV Coyote, theo thông tin từ Lockheed Martin. Trước đó, Lục quân Mỹ đã đề cập khả năng tích hợp các loại vũ khí bầy đàn và các loại đầu đạn "tăng cường" khác lên PrSM nhưng chưa cung cấp chi tiết cụ thể.
Becky Withrow, Giám đốc Chiến lược và Phát triển kinh doanh tại Lockheed Martin, đã chia sẻ với phóng viên Howard Altman của TWZ về các tải trọng trong tương lai cũng như những khía cạnh khác của chương trình PrSM tại triển lãm thường niên Modern Day Marine diễn ra mới đây.
Đến nay, Lục quân Mỹ đã phác thảo kế hoạch phát triển 4 phiên bản PrSM cải tiến trên nền tảng tên lửa cơ bản Increment 1. Increment 2 tập trung phát triển hệ thống cảm biến kép mới, cho phép tấn công các mục tiêu di động trên đất liền hoặc trên biển. Increment 4 nhằm tăng tầm bắn của PrSM từ dưới 500 km lên 1.000 km, còn Increment 5 tiếp tục mở rộng tầm bắn hơn nữa. Increment 3, hiện được Lục quân dự kiến triển khai sau Increment 4, hướng tới mục tiêu "nâng cao sát thương".

Tên lửa PrSM được phóng trong một cuộc thử nghiệm. (Ảnh: Lockheed Martin)
Bà Withrow không nêu rõ phiên bản Coyote nào có thể được sử dụng cùng PrSM Increment 3. Đến nay, hãng sản xuất Raytheon đã giới thiệu ba biến thể của gia đình Coyote: bản nguyên mẫu Block 1 với động cơ điện, cánh và đuôi bật ra; bản Block 2 sử dụng động cơ phản lực để đánh chặn drone và Coyote LE SR cũng dùng động cơ phản lực, trước đây gọi là Block 3. Các phiên bản Block 1 và 3 có thiết kế mô-đun, có thể tích hợp cho nhiều nhiệm vụ như đạn lượn, trinh sát, tác chiến điện tử và các vai trò khác.
PrSM Increment 3 có thể mang nhiều loại đạn chính xác đặc biệt hữu ích trong việc chế áp hoặc tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương, nhất là các hệ thống di động khó phát hiện và khóa mục tiêu.
Tổng thể, Increment 3 sẽ cung cấp một phương tiện triển khai tải trọng bầy đàn có khả năng sống sót cao vào sâu trong khu vực tranh chấp hoặc bị phong tỏa. Nhiều mô hình giả lập, bao gồm các nghiên cứu của quân đội Mỹ, đã chỉ ra bầy UAV giá rẻ, được kết nối mạng và có mức độ tự động hóa cao (kể cả loại UAV lượn) có thể tạo ra tác động thay đổi cục diện trong các cuộc xung đột quy mô lớn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc phóng đạn phụ từ một tên lửa đạn đạo bay ở tốc độ siêu thanh hoặc cao siêu thanh (trên Mach 5) đặt ra nhiều thách thức, chủ yếu do áp lực vật lý và nhiệt khi tách khỏi tên lửa. Các tải trọng mỏng manh hơn, như UAV bay dưới tốc độ âm, cũng cần cơ chế giảm tốc an toàn sau khi tách. Các thao tác giảm năng lượng trước khi thả có thể giúp khắc phục vấn đề này. Đây có thể là lý do khiến Increment 3 hiện được triển khai sau Increment 4.
Dù sao, Lục quân Mỹ vẫn tiếp tục quan tâm đến các năng lực bổ sung mà một PrSM tích hợp vũ khí chính xác hoặc drone có thể mang lại và nay ta đã biết họ đang cân nhắc cụ thể phương án Coyote.
Thế Hải (Theo TWZ)