Thách thức là cơ hội tái cơ cấu sản xuất, ngành hàng, thị trường ngành nông nghiệp

Admin
(Chinhphu.vn) - Quý I/2025, ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh và thặng dư thương mại ấn tượng. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và đạt mục tiêu 65 tỷ USD trong năm 2025, ngành cần vượt qua các thách thức về giá cả, tiêu chuẩn chất lượng và chính sách thương mại quốc tế.
Thách thức là cơ hội tái cơ cấu sản xuất, ngành hàng, thị trường ngành nông nghiệp- Ảnh 1.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả giúp tăng cường nguyên liệu đầu vào cho ngành gỗ Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, giá trị xuất khẩu đạt 6,14 tỷ USD, tăng 16,9% so với tháng 3/2024. Tất cả các nhóm hàng đều ghi nhận tăng trưởng, cụ thể: nông sản đạt 8,53 tỷ USD (tăng 12,2%), lâm sản 4,21 tỷ USD (tăng 11,2%), thủy sản 2,29 tỷ USD (tăng 18,1%), sản phẩm chăn nuôi 131,3 triệu USD (tăng 18,5%) và đầu vào sản xuất 549,5 triệu USD (tăng 19,6%).

Các mặt hàng chủ lực tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6%; cà phê đạt 2,88 tỷ USD, tăng 49,5%; cao su đạt 765,8 triệu USD, tăng 26,1% và tôm đạt 943 triệu USD, tăng 37,8%. Tuy nhiên, một số mặt hàng lại sụt giảm, như gạo đạt 1,14 tỷ USD, giảm 19,7% và rau quả cũng giảm 11,3%, đạt 1,14 tỷ USD.

Giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản trong quý I/2025 tăng trưởng ấn tượng trên hai con số. Giá cà phê đạt 5.656 USD/tấn, tăng 71,7%, nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê chất lượng cao tăng mạnh. Giá hạt tiêu đạt 6.845 USD/tấn, tăng 64,9% và giá cao su đạt 1.933 USD/tấn, tăng 31,9%. Hạt điều cũng ghi nhận mức tăng 29,1%, đạt 6.929 USD/tấn. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu lại giảm mạnh 20,1%, chỉ còn 522 USD/tấn, do cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia như Ấn Độ và nhu cầu tại một số thị trường giảm. Giá chè cũng giảm nhẹ 0,2%, đạt 1.622 USD/tấn.

Sự tăng giá của các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu và cao su đã bù đắp cho sự sụt giảm của gạo và rau quả, giúp duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, biến động giá cả vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt khi các thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Về thị trường, châu Á tiếp tục là khu vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42% thị phần, với giá trị 6,61 tỷ USD, tăng 2%. Châu Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 22,5% và 16,6%, với mức tăng trưởng ấn tượng 15,7% và 37,8%. Đáng chú ý, xuất khẩu sang châu Phi tăng mạnh 105%, đạt 496 triệu USD, trong khi châu Đại Dương tăng nhẹ 0,8%, đạt 197 triệu USD.

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất. Mỹ dẫn đầu với thị phần 20,2%, đạt giá trị tăng 13,5%. Trung Quốc chiếm 17,3%, tăng 3,6% và Nhật Bản chiếm 7,7%, tăng mạnh 26%. Các mặt hàng như cà phê, thủy sản và gỗ đặc biệt được ưa chuộng tại các thị trường này.

Thách thức là cơ hội tái cơ cấu sản xuất, ngành hàng, thị trường ngành nông nghiệp- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo các đơn vị trong Bộ xây dựng các kế hoạch ứng phó với những biến động thị trường trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đối diện nhiều thách thức

Mặc dù đạt tăng trưởng ấn tượng, ngành nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Biến động giá cả, như sự sụt giảm giá gạo và rau quả, cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản đang áp đặt các yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, trong khi Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này.

Đối diện với những thách thức về thuế quan tới đây của Hoa Kỳ, theo ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong những năm vừa qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang Hoa Kỳ đều đạt trên mức 13 tỷ USD (xuất siêu trên 10 tỷ USD) và nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng trên 3 tỷ USD/năm. Riêng năm 2024 xuất khẩu đạt 14,31 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023 và nhập khẩu đạt 3,44 tỷ USD.

Còn trong quý I năm 2025, Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ đạt 3,21 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2024 và nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 914 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các mặt hàng chủ lực qua nhiều năm vẫn là gỗ, tiêu, điều, thủy sản, cà phê và rau quả.

Theo ông Phong, việc áp thuế cơ bản 10% với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ có tác động trực tiếp đến tổng thể cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung, tác động lớn đến xuất khẩu NLTS của Việt Nam và ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2025.

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá là một thách thức cấp bách. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã nhấn mạnh thách thức cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất, ngành hàng, thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng kế hoạch ứng phó, bao gồm rà soát các văn bản kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường và thúc đẩy đàm phán với các đối tác quốc tế. Bộ trưởng cũng yêu cầu giải quyết các hồ sơ tồn đọng về mở cửa thị trường và cấp phép xuất khẩu cho doanh nghiệp, đồng thời tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như châu Phi và các nước Halal.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2025 đạt 4%, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD, thậm chí có thể chạm mốc 70 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp như nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và truy xuất nguồn gốc, cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Gỡ vướng thủ tục hợp quy cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệpGỡ vướng thủ tục hợp quy cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp
Tham khảo thêm
Bộ Nông Nghiệp Và Môi Trường triển khai kế hoạch đột phá khoa học công nghệBộ Nông Nghiệp Và Môi Trường triển khai kế hoạch đột phá khoa học công nghệ