Thanh Hóa: Tận dụng tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội

Admin
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ. Đây được coi là tiềm năng để địa phương này phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Thông tin từ Sở Văn hóa thể thao du lịch Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 6 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Ngoài văn hóa vật thể, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Đây được xem là cơ sở, lợi thế hiếm có để du lịch Thanh Hóa phát triển.

Thanh Hóa: Tận dụng tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 1.

Khai mạc du lịch biển Sầm Sơn 2024

Thanh Hóa từ lâu đã được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của ít nhất "3 dòng vua, 2 dòng chúa" trong lịch sử phong kiến nước ta. Ngoài ra, Thanh Hóa còn là quê hương của các vị anh hùng dân tộc nổi tiếng trong lịch sử phong kiến như Bà Triệu, Dương Đình Nghệ... và có nhiều căn cứ nghiên cứu khẳng định là quê hương của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn).

Thanh Hóa có tới 64 vị vua chúa gắn liền với quê hương xứ Thanh. Vùng đất này là phát tích của các triều đại phong kiến gồm: Tiền Lê, nhà Hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn và 2 đời chúa là chúa Trịnh, chúa Nguyễn.

Thanh Hóa: Tận dụng tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 2.

Thành Nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới

Bên cạnh nhiều nhân kiệt, không thể bỏ qua những "địa linh" đặc sắc hiếm có của xứ Thanh như: huyệt đạo núi Nưa, thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên trên đỉnh núi Nưa, huyện Triệu Sơn, hay những thắng cảnh gắn liền với các sự tích dân gian linh thiêng, huyền bí được lưu truyền: quần thể di tích Quốc gia đặc biệt danh thắng núi Trường Lệ với sự tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái...; Di tích đền Mai An Tiêm (tại huyện Nga Sơn) gắn liền với sự tích dưa hấu từ thời vua Hùng; Di tích động Từ Thức (xã Nga Thiện, Nga Sơn) với câu chuyện Từ Thức gặp tiên...

Tại địa phương này còn lưu dấu nhiều di tích minh chứng cho lịch sử hào hùng đó như: di tích lịch sử chiến khu ATK Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành), di tích lịch sử cầu Hàm Rồng (Tp.Thanh Hóa), Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, tại Tp.Sầm Sơn

Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2024, toàn tỉnh ước đón được trên 42,2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,2%/năm; đạt 88,6% kế hoạch chỉ tiêu phát triển du lịch (CTPTDL) giai đoạn 2021-2024 và đạt 66,3% kế hoạch CTPTDL giai đoạn 2021-2025.

9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 14,454 triệu lượt khách, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 104,7% kế hoạch năm 2024 (trong đó khách du lịch quốc tế: 551.000 lượt khách).

Thanh Hóa: Tận dụng tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 3.

Biển Sầm Sơn, tiềm năng để phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa

Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu du lịch ước đạt 83.386 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 34,3%/năm; đạt 85,6% kế hoạch CTPTDL giai đoạn 2021-2024 và 58,4% kế hoạch CTPTDL giai đoạn 2021-2025.

9 tháng đầu năm 2024, tổng thu du lịch đạt 31.935,5 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ 2023, đạt 98,6% kế hoạch năm 2024 (trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế là 285,42 triệu USD).

Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.300 nhà nghỉ, khách sạn, đạt 128,7% kế hoạch CTPTDL năm 2024 và đạt 123,8% kế hoạch CTPTDL đến năm 2025; với tổng số 48.600 phòng, đạt 102,3% kế hoạch CTPTDL năm 2024 và bằng 97,2% kế hoạch CTPTDL đến năm 2025.

Xuân Chinh