Thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Tuyệt đối không để nhân công và thiết bị chờ cán bộ

Admin
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk chỉ cho phép cán bộ chờ thiết bị và nhân công, tuyệt đối không để nhân công và thiết bị chờ cán bộ.

Nhiều nhà thầu đăng ký làm cả ngày đêm

Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và cùng cả nước 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.00km đường bộ cao tốc, nhiều nhà thầu đã đăng ký thi công cả ngày lẫn đêm. 

Đây là thông tin mà ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) vừa mới trao đổi với Người Đưa Tin.

Theo ông Dần, cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa là cao tốc đầu tiên của Tây Nguyên. Do đó, tất cả cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đều quyết tâm phấn đấu đạt hiệu quả nhất trong quá trình triển khai thi công. 

Đặc biệt, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp trên, hiện nay, tiến độ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk – PV) đã đạt được gần 30%.

Thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Tuyệt đối không để nhân công và thiết bị chờ cán bộ- Ảnh 1.

Các nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông cũng cho hay, tất cả các gói thầu đều đồng loạt triển khai và luôn được chủ đầu tư chỉ đạo sát sao. Hiện nay, chủ đầu tư đã lập tiến độ thi công chi tiết từ nay đến 30/8/2025. Trong đó, có chi tiết nhà thầu, chi tiết gói thầu và tiến độ tổng thể dự án.

"Trên cơ sở tiến độ đó, chúng tôi chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát theo dõi, phối hợp, đồng thời họp kiểm điểm công việc hằng tuần, họp kiểm điểm tiến độ tháng, họp kiểm điểm tiến độ hằng quý. Với quan điểm chỉ cho phép cán bộ chờ thiết bị và nhân công, tuyệt đối không để nhân công và thiết bị chờ cán bộ, các đơn vị luôn có mặt trên công trường và phục vụ công trường một cách tốt nhất. Tất cả đều phải sẵn sàng để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra" – ông Dần nhấn mạnh.

Theo ông Dần, khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hiện nay là vướng mắc về hạ tầng.

Thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Tuyệt đối không để nhân công và thiết bị chờ cán bộ- Ảnh 2.

Nhiều máy móc, thiết bị được huy động phục vụ thi công cao tốc.

Theo ghi nhận, tại nút giao tỉnh lộ 10 (giao giữa cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và tỉnh lộ 10, thuộc địa bàn xã Ea Knếch, huyện Krông Pắk) mặt bằng chằng chịt trụ điện, trụ cáp viễn thông chưa được di dời khiến nhà thầu không thể thi công đồng bộ.

Đại diện một đơn vị thi công tại nút giao tỉnh lộ 10 cho hay, công tác giải phóng mặt bằng tại nút giao tỉnh lộ 10 đã cơ bản hoàn thành nhưng hệ thống điện, cáp viễn thông đến nay vẫn chưa di dời. Nhà thầu đã có công văn gửi chủ đầu tư để xem xét hỗ trợ xử lý vướng mắc nêu trên.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết, thời gian qua huyện đã nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư và các cơ quan chức năng tổ chức giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. 

Thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Tuyệt đối không để nhân công và thiết bị chờ cán bộ- Ảnh 3.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hiện nay là vướng mắc về hạ tầng.

Theo đó, tại vị trí Km86+465 (nút giao Vụ Bổn do thay đổi mốc bồi thường), ngày 14/11, ngành điện lực sẽ cắt điện và hoàn thành di dời tạm.

Tại vị trí Km110+300 (tỉnh lộ 10 do thay đổi mốc bồi thường), huyện đang đăng ký với điện lực để cắt điện vào ngày 15/11/2024 và hoàn thành di dời. 

Hiện huyện đã nhận hồ sơ thẩm định từ Cục điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương về đường dây 500KV, đã cắm mốc xác định ranh giới giải phóng mặt bằng, đăng ký kế hoạch sử dụng đất và đang xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết để thực hiện công tác di dời.

Tại Km116+072,72 xã Hòa Đông, huyện đã cho đã di dời 92m ống; cắt nước, tháo dỡ đường ống cũ, đang thực hiện đào đất để chôn ống nước, đã thực hiện di dời 40m ống. Tại vị trí 1 (buôn Kplang) và vị trí 2 (thôn 6, xã Tân Tiến), huyện đã khảo sát kiểm tra hiện trường và đang lập phương án thiết kế di dời 2 vị trí.

Thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Tuyệt đối không để nhân công và thiết bị chờ cán bộ- Ảnh 4.

Nhiều nhà thầu đăng ký làm cả đêm cả ngày.

Thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Tuyệt đối không để nhân công và thiết bị chờ cán bộ- Ảnh 5.

Một điểm thi công trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Đắk Lắk đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma ThuộtĐắk Lắk đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma ThuộtĐỌC NGAY

Trước đó, ngày 5/11, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký ban hành kế hoạch tổ chức đợt thi đua cao điểm "Đắk Lắk cùng cả nước 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc".

Đợt thi đua được triển khai thực hiện từ tháng 11/2024, sơ kết tháng 12/2024 và tổng kết cuối năm 2025.

Kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong thi công các công trình, hạng mục công trình cao tốc.

Trong đó, phấn đầu đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hoàn thành, đưa vào khai thác đúng tiến độ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cùng cả nước hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117km, với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư; Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư; Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Theo báo cáo số 285 ngày 6/11 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 30/10, tổng khối lượng công tác giải phóng và nhận bàn giao mặt bằng của Dự án thành phần 3 là 331,98ha/332,98ha, đạt 99,7%; tương ứng với 48,09km/48,09km toàn tuyến, đạt 100%. Đối với 1 ha còn lại thuộc tuyến kênh mương thoát nước ngoài phạm vi tuyến chính đang triển khai giải phóng mặt bằng do mới bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của huyện Cư Kuin.

Về tình hình thi công, dự án thành phần 3 có tổng số 3 gói thầu xây lắp. Tổng giá trị thực hiện là 1.111,51/4.168 (tỷ đồng).

Khánh Ngọc