Thị phần giảm điểm, mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho VPS

Admin
Thay vào mảng môi giới, thì hoạt động tự doanh và lãi từ các khoản cho vay lại là điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý II/2024 của Chứng khoán VPS.

Trong quý II/2024, thị phần môi giới của CTCP Chứng khoán VPS trên sàn HoSE, HNX và thị trường phái sinh đều sụt giảm sau khi thiết lập đỉnh ở các quý trước đó.

Cụ thể, trên HoSE, thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ của VPS ở mức 18,16%, thấp hơn 2,13% so với quý I. Tại HNX, thị phần của VPS giảm 0,51% về 24,2%; trên thị trường phái sinh cũng giảm 0,13% về mức 58,77%. Duy nhất thị phần trên sàn UPCoM tăng 5,85% lên 28,16%.

Khi công bố thị phần quý II, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về kết quả kinh doanh của công ty liệu có bị ảnh hưởng khi thị phần sụt giảm.

Thế nhưng, theo báo cáo tài chính quý II/2024 vừa công bố, VPS ghi nhận nhiều điểm sáng từ hoạt động tự doanh và lãi từ các khoản cho vay, dù mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho công ty nhưng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu.

Cụ thể, trong kỳ mảng môi giới của VPS tăng 46% so với cùng kỳ lên mức 893,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí môi giới của công ty cũng tăng tới 63% lên 778,9 tỷ đồng. Như vậy, mảng này đem về 114,6 tỷ đồng cho VPS, thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động cho vay của VPS khởi sắc khi lãi từ cho vay và phải thu đạt 455,9 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Tại ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay của VPS ghi nhận hơn 11.638,4 tỷ đồng, tăng 12 tỷ so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay ký quỹ (margin) với 11.104 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lại giảm 60% so với cùng kỳ từ 593,8 tỷ đồng xuống còn 237,6 tỷ đồng, chủ yếu do cổ tức, tiền lãi phát sinh và lãi bán các tài sản tài chính giảm. 

Tự doanh lao đao, lợi nhuận của VPBankS sụt giảm 19%Gang thép Thái Nguyên tiếp tục thua lỗ

Điểm sáng là khoản lỗ từ tài sản FVTPL lại giảm 97% so với cùng kỳ xuống còn 17,3 tỷ đồng, tương ứng giảm tới 608,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc VPS lãi 220,3 tỷ đồng ở mảng này, trong khi cùng kỳ lỗ 31,7 tỷ đồng.

Tính chung trong quý II/2024, doanh thu hoạt động của Chứng khoán VPS đạt 1.707,6 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà môi giới chứng khoán này ghi nhận lãi trước thuế 653,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 522,5 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của VPS ghi nhận tăng 12% lên 3.278 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 5 lần lên 1.027,6 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng, Chứng khoán VPS đã thực hiện được 86% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.

Thị phần giảm điểm, mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho VPS- Ảnh 1.

VPS đã thực hiện được 86% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.

Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của công ty ở mức 31.782 tỷ đồng, tăng 41% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, khoản mục tiền và tương đương tiền tăng gấp 3,7 lần từ 2.783 tỷ đồng đầu năm lên 10.222 tỷ đồng cuối quý II/2024.

Danh mục FVTPL của VPS có giá trị 5.581,6 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là công cụ thị trường tiền tệ với 5.251,4 tỷ đồng, trái phiếu niêm yết 300 tỷ đồng và cổ phiếu niêm yết 14,7 tỷ đồng, cổ phiếu chưa niêm yết 15,4 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng ghi nhận 3.521 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đầu năm.

Thời điểm cuối quý II/2024, nợ phải trả của VPS tăng mạnh so với đầu năm, chủ yếu là vay ngắn hạn tăng gấp 1,7 lần lên 20.909 tỷ đồng.