Tuân thủ đúng quy chế, trách nhiệm trong từng khâu
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ ngày 11-17/6/2024, Bộ GD-ĐT tổ chức các đoàn công tác làm việc với địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi. Cụ thể, các đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi làm Trưởng đoàn đã tới làm việc tại các tỉnh: Hậu Giang, Quảng Ngãi, Long An, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Yên Bái, Lào Cai…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Vị Thanh 3 (Hậu Giang) ngày 11/6/2024.
Tại buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang, trao đổi với cán bộ, giáo viên làm công tác tổ chức thi tại điểm thi Trường THPT Vị Thanh và Trường THPT Tầm Vu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các điểm thi đã được tính toán chi tiết, các điều kiện chuẩn bị nhìn chung đã sẵn sàng. Bộ trưởng đánh giá cao công tác ôn tập cho học sinh của các trường, trong đó đã dành sự quan tâm đến từng nhóm học sinh, đồng thời huy động được lực lượng hỗ trợ chu đáo cho thí sinh.
Lưu ý chung với các điểm thi, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là kỳ thi của cả nước nên cần phải cẩn thận tối đa, bởi sai sót từ một địa phương sẽ ảnh hưởng tới cả nước. Lưu ý về công tác in sao, vận chuyển đề thi, bài thi, Bộ trưởng đề nghị, tuân thủ cao nhất các quy định về bảo mật, với sự phối hợp tối đa của ngành Công an cho công tác này; phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu của kỳ thi.
Tất cả các khâu, các nội dung đều phải có phương án dự phòng. Và không chỉ đưa ra phương án dự phòng mà theo Bộ trưởng còn phải chuẩn bị chu đáo cho các phương án dự phòng này như: Tập huấn đầy đủ cho đội ngũ cán bộ giáo viên dự phòng, đề phòng trường hợp đội ngũ cán bộ chính thức có việc đột xuất.
Đề cập tới việc một vài năm gần đây xuất hiện trường hợp gian lận sử dụng công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý cần đặc biệt đề phòng vấn đề này. Trong đó, quan tâm nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh; phát huy tối đa trách nhiệm của cán bộ coi thi, lấy tinh thần của con người ứng phó với công nghệ cao. Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết bất thường, thiên tai, điều kiện đi lại của thí sinh… cũng được Bộ trưởng lưu ý.
Trước đó, để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, ngày 24/4/2024, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi tại 63 sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT quyết định điều động cán bộ, giảng viên cơ hữu của các cơ sở giáo dục đại học làm nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi tại 63 sở GD-ĐT trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, Bộ thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các sở GD-ĐT, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại các điểm thi và việc chuẩn bị in sao đề thi.
Cùng với các đoàn kiểm tra trực tiếp tại các điểm thi tại 63 tỉnh, thành phố, Bộ GD-ĐT yêu cầu Thanh tra Bộ, thanh tra sở GD-ĐT chuẩn bị lực lượng để thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh hoặc chỉ đạo của lãnh đạo, đồng thời dự phòng tình huống xảy ra do thiên tai, dịch bệnh.
Hà Nội điều động hơn 16.000 cán bộ, giáo viên coi thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống của Bộ GD-ĐT (năm 2023 là 1.024.063). Trong đó, số thí sinh tự do đăng ký dự thi là 45.344 (năm 2023 là 37.841). Các tỉnh, thành phố có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất gồm: Hà Nội (cao nhất), TP Hồ Chí Minh (88.196 thí sinh), Thanh Hóa (38.677 thí sinh). Các tỉnh có số thí sinh đăng ký dự thi ít nhất gồm: Kon Tum (5.052 thí sinh), Lai Châu (4.211 thí sinh), Bắc Kạn (3.180 thí sinh).
Hà Nội là một thành phố có quy mô thí sinh chiếm 1/10 tổng số thí sinh của cả nước với số lượng đăng ký dự thi cao nhất, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương nỗ lực quyết tâm để tổ chức kỳ thi an toàn, thuận lợi và bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh dự thi.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Sỹ Cương cho biết: “Năm 2024, số lượng thí sinh đăng ký dự thi của Hà Nội là 109.476 thí sinh, trong đó, 95.935 thí sinh học chương trình THPT, 13.638 thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên; 4.621 thí sinh tự do. Toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 196 Điểm thi (93 Điểm thi đặt tại trường THCS, 2 Điểm thi đặt tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 101 Điểm thi đặt tại trường THPT). Tổng số phòng thi dự kiến: 5073 phòng (trong đó số phòng thi chính thức: 4.532, số phòng thi dự phòng: 392, số phòng chờ: 176).
Sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến điều động hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tổ chức coi thi và gần 800 cán bộ chấm thi”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối theo Chương trình GDPT 2006. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình. Tuy nhiên sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023".
Từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh. Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025.