Thị trường hàng hóa diễn biến giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần

Admin
(Chinhphu.vn) - Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa và giằng co trong ngày giao dịch đầu tuần (16/9).
Thị trường hàng hóa diễn biến giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần- Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng trong nhóm năng lượng và kim loạt đồng loạt tăng giá trong khi sắc đỏ quay trở lại thị trường nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế đã đẩy chỉ số MXV-Index tăng thêm 0,43% lên mức 2.122 điểm.

Giá dầu phục hồi lên trên 70 USD/thùng

Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 15/9, giá dầu hồi phục trong bối cảnh thị trường tập trung đánh giá động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp sắp tới. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 2,1% lên 70,09 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,59% đạt mức 72,75 USD/thùng.

Thị trường dầu còn nhiều thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách của Fed (17-18/9). Tuy nhiên, giá vẫn nhận được hỗ trợ bởi lo ngại về nguồn cung khi hoạt động khai thác dầu ở Vịnh Mexico còn đang gián đoạn.

Thị trường hàng hóa diễn biến giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần- Ảnh 2.

Các nhà giao dịch đang ngày càng đặt cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm cơ bản như trong kỳ vọng trước đó. Mặc dù việc Fed hạ lãi suất gần như đã được ấn định, tuy nhiên việc thị trường kỳ vọng Fed hạ lãi suất tới 50 điểm sẽ là động lực lớn đối với giá dầu. Lãi suất thấp hơn thường làm giảm chi phí đi vay, điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng nhu cầu về dầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm 50 điểm cũng có thể báo hiệu sự suy yếu trong nền kinh tế Mỹ và lo ngại này sẽ làm hạn chế đà tăng trên thị trường.

Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu tại vịnh Mexico của Mỹ vẫn còn đang gián đoạn sau trận bão Francine. Khoảng 20% tổng sản lượng dầu thô tại khu vực vẫn bị đình trệ, trong khi tổn thất đối với hoạt động sản xuất ngoài khơi tích lũy đạt 2,16 triệu thùng dầu thô. Trong đó, công nhân tại 37 giàn khoan, chiếm khoảng 10% trên tổng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Vịnh Mexico vẫn còn đang trong tình trạng sơ tán.

Ở chiều ngược lại, dữ liệu kinh tế yếu hơn của Trung Quốc đã gây ra sức ép trên thị trường, với triển vọng tăng trưởng thấp trong dài hạn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu. Sản lượng lọc dầu cũng giảm tháng thứ năm do nhu cầu nhiên liệu yếu và biên lợi nhuận xuất khẩu hạn chế sản xuất. Tổng cộng 1,85 triệu thùng mỗi ngày đã được thêm vào kho dự trữ nước này và là mức lớn nhất kể từ tháng 6/2023.

Thị trường hàng hóa diễn biến giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần- Ảnh 3.

Giá đậu tương tiếp tục giằng co trong phiên đầu tuần

Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 diễn biến giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần trong bối cảnh nhu cầu đối với đậu tương Mỹ có tác động trái chiều lên giá. Khép lại phiên hôm qua, giá đậu tương ghi nhận mức giảm nhẹ 0,17% xuống 369 USD/tấn trong khi giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương tăng nhẹ lên mức 0,28% đối với mặt hàng khô đậu tương và 0,46% đối với dầu đậu tương.

Ở chiều ngược lại, giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương đều đóng cửa trong sắc xanh, chủ yếu do tác động từ báo cáo của NOPA. Giá khô đậu tương tăng nhẹ 0,28%, trong khi giá dầu đậu tương tăng 0,46%. Việc khối lượng ép dầu đậu tương của Mỹ giảm mạnh trong tháng 8 có thể làm giảm nguồn cung khô đậu trong ngắn hạn và điều đó đã hỗ trợ giá. Trong khi đó, tồn kho dầu đậu do các thành viên Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) nắm giữ tính tới cuối tháng 8 đạt 516,3 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua.