Thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Admin
Chiều 27/6, với 464 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 100%), Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Trước khi ĐBQH bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 86 điều.

Về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 21), tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ cụm từ “của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” tại khoản 1 và bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Tại khoản 2, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp công nghiệp an ninh hoặc các nguồn huy động hợp pháp khác để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước hoặc nghiên cứu bổ sung quy định tăng vốn điều lệ từ Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đối thoại - Thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới (Ảnh: Media Quốc hội).

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết,  để bảo đảm tính trọng tâm, khả thi của việc trích lợi nhuận sau thuế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Ngoài ra tại khoản 4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản này như khoản 4 Điều 21 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Với quy định như trên, cùng với việc giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 6 Điều này, việc trích lợi nhuận sau thuế sẽ được quy định cụ thể, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm chặt chẽ, khả thi.

Về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 1 điểm (điểm a) về nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; chỉnh lý điểm b thành điểm c quy định “Trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này”; đồng thời, sắp xếp lại các điểm của khoản này cho phù hợp như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về ý kiến đề nghị bổ sung việc Chính phủ quy định việc phân bổ Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh; định kỳ hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ, ông Lê Tấn Tới cho biết, Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung từ “phân bổ” trước từ “quản lý” tại khoản 4.

Về động viên công nghiệp (Chương III), qua rà soát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ khoản 1 Điều 51 (Điều 52 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua); giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn trích và sử dụng tiền khấu hao bồi thường tổn thất, quản lý, sử dụng, thu hồi đối với trang thiết bị chuyên dùng và tài liệu công nghệ giao cho cơ sở công nghiệp động viên tại khoản 3. Đồng thời, chỉnh lý, sắp xếp các điều khác trong Chương này bảo đảm thống nhất, chặt chẽ, khả thi....