Thúc đẩy kết nối các giá trị di sản từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Dinh Độc Lập

Admin
(Chinhphu.vn) - Hội trường Thống Nhất và Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, góp phần đưa hai di tích quốc gia đặc biệt này được nhiều người biết đến.
Thúc đẩy kết nối các giá trị di sản từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Dinh Độc Lập- Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Phước, Quyền Giám đốc Hội trường Thống Nhất, phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Anh Lê

Ngày 19/10, Hội trường Thống Nhất, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch phối hợp tổ chức Diễn đàn truyền thông quảng bá điểm đến với chủ đề "Hội tụ bản sắc, nâng tầm di sản" tại di tích lịch sử Dinh Độc Lập.

Ông Trần Hữu Phước, Quyền Giám đốc Hội trường Thống Nhất, cho biết, đây là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng nhằm giới thiệu các giá trị đặc sắc tại 2 Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây cũng là dịp để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn công tác quảng bá điểm đến, thu hút sự quan tâm của du khách toàn cầu và tăng cường hình ảnh thương hiệu di sản Việt Nam.

Theo ông Trần Hữu Phước, Hội trường Thống Nhất là đơn vị quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Dinh Độc Lập. Trong nhiều năm qua, di tích lịch sử Dinh Độc Lập là lựa chọn của nhiều du khách khi đến TPHCM, đặc biệt là du khách quốc tế.

Thúc đẩy kết nối các giá trị di sản từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Dinh Độc Lập- Ảnh 2.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chia sẻ về hoạt động trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: VGP/Anh Lê

Riêng phòng trưng bày "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868 - 1966" từ khi mở cửa đón khách vào tháng 3/2018 đến nay, mỗi năm đón tiếp gần 350.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Tại Diễn đàn, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã chia sẻ về hoạt động trải nghiệm "Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám". Hoạt động này đang trong giai đoạn thử nghiệm với mục đích là nâng tầm di sản.

Theo đó, "Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám" giới thiệu những tinh hoa về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng nhân tài. Điểm đặc biệt là du khách được trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ 3D Mapping.

Thúc đẩy, kết nối các giá trị di sản

Ông Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, chia sẻ rằng Diễn đàn này không chỉ mang đến góc nhìn sâu sắc về lịch sử, văn hóa mà còn đóng vai trò định hướng, thúc đẩy, kết nối các giá trị di sản: Sự hợp tác giữa Hội trường Thống Nhất và Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, phát triển bền vững.

Theo GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Cố vấn Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, cần bảo tồn bằng cách làm sống lại di sản, tôn vinh và bổ sung giá trị di sản. Đây là cách bồi đắp di sản.

Thúc đẩy kết nối các giá trị di sản từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Dinh Độc Lập- Ảnh 3.

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan mỗi năm. Ảnh: VGP/Anh Lê

Các chuyên gia tại Diễn đàn cũng đánh giá cao cách làm mới của Hội trường Thống Nhất về phòng trưng bày "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868 - 1966" hay hoạt động trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, góp phần vào việc bảo tồn di sản, làm sống lại di sản cũng như tăng trải nghiệm thú vị cho khách tham quan, qua đó, giúp di sản phát triển bền vững.

Ông Trần Hữu Phước cho biết thêm, thời gian tới, Hội trường Thống Nhất có kế hoạch số hóa không gian trưng bày và hiện vật; ứng dụng công nghệ trong trưng bày và diễn giải thông tin nhằm mang đến cho công chúng những câu chuyện lịch sử và không gian trải nghiệm mới mẻ, đưa Dinh Độc Lập đến gần hơn với giới trẻ.

Cũng tại Diễn đàn, Hội trường Thống Nhất và Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, góp phần đưa hai di tích quốc gia đặc biệt này được nhiều người biết đến.

Anh Lê