TPHCM ‘mở lại’ một số chợ truyền thống

Hoàng Huyền
Trước tình hình nhiều siêu thị quá tải, Sở Công Thương TPHCM đã cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong tỏa bán lại các hàng rau, củ, quả, thịt.

Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, do nhiều siêu thị quá tải, Sở Công Thương TPHCM cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong tỏa bán lại các mặt hàng rau, củ, quả, thịt.

TPHCM ‘mở lại’ một số chợ truyền thống-dulichgiaitri.vn
Người dân xếp hàng chờ vào siêu thị Co.op Mark Văn Thánh. Ảnh: QLTT TPHCM)

Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ngày 14/7 về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa ngày tại TPHCM, sau khi nhiều người dân thành phố đến siêu thị, cửa hàng mua nhiều loại thực phẩm tươi sống, nhiều siêu thị quá tải phải phát phiếu hẹn cho người dân đến mua hàng. Tuy nhiên, đến ngày 14/7, có rất đông người dân đến để nhận phiếu hẹn mua hàng hoặc để xếp hàng chờ vào siêu thị (đối với siêu thị không phát phiếu hẹn). Bên cạnh đó, đã có hiện tượng mua số lượng nhiều hàng thực phẩm, nhiều nhất là trứng từ siêu thị đưa ra ngoài bán lại.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương TPHCM đã cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong tỏa bán lại các hàng rau, củ, quả, thịt.

Tổng cục QLTT cho biết thêm, các siêu thị tại địa phương gặp khó khăn chung trong khâu vận chuyển hàng từ TPHCM về, tài xế phải xét nghiệm nhanh COVID-19, nhưng hiện nay, y tế không xét nghiệm, không có chỗ xét nghiệm. Cần Thơ quy định, lái xe địa phương phải thay tài xế của xe từ TPHCM để vận chuyển hàng hóa. Chính vì vậy, nhiều tài xế không đồng ý và một số xe đã quay ngược về lại TPHCM; giấy xét nghiệm của các tài xế đã hết hạn và chưa có nơi để đăng ký xét nghiệm lại.

Tại TP. Cần Thơ, sau khi xảy ra việc mua vét hàng vào tối ngày 11/7 (trước ngày giãn cách xã hội), từ ngày 12/7 đến nay, thị trường đã ổn định, hàng thực phẩm tại các siêu thị đầy đủ, giá không tăng.

TPHCM ‘mở lại’ một số chợ truyền thống-dulichgiaitri
Người dân đeo khẩu trang khi đi mua hàng. Ảnh: QLTT)

Tại tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu, trước ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thị trường ổn định, hàng thực phẩm tại các siêu thị và chợ đầy đủ, giá không tăng.

Tại tỉnh Đồng Nai, lượng khách mua sắm tại siêu thị ngày hôm nay đã giảm so với các ngày trước. Tuy nhiên, đơn hàng đặt online vẫn tăng nhiều, nhóm hàng rau củ, quả, thịt cá vẫn trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ rất nhanh. Các siêu thị bảo đảm nguồn hàng phục vụ người dân. Chỉ có tại siêu thị Lotte Mart chiều tối ngày 13/7, các mặt hàng như trứng các loại, mì gói tạm hết nhưng sáng ngày 14/7 được bổ sung đầy đủ; thịt các loại (gà, heo, hải sản…) có lúc hết hàng, nhân viên siêu thị liên tục bổ sung hàng.

Do các chợ truyền thống lớn trên địa bàn thành phố Biên Hòa đang tạm ngưng hoạt động, người dân chủ yếu mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. Giá các loại lương thực, thực phẩm ổn định, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng.

Các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sức mua tăng cao so với bình thường, lượng hàng hóa cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá không thay đổi.

Tại tỉnh Long An, người dân đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua hàng thực phẩm tăng mạnh, dẫn đến tình trạng hết thường xuyên các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền. Giá tăng khoảng 50% so với ngày 1/7.

Tại các tỉnh khác, do tâm lý lo sợ dịch bệnh, người dân mua hàng thực phẩm rất nhiều, các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ nên đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá ổn định. Tại các chợ truyền thống, lượng mua cũng tăng nhưng hàng hóa dồi dào. Giá trứng, các loại thịt, rau, củ, quả tăng nhẹ, tại một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Phước tăng từ 5%-40%.

Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay, các đội QLTT của Cục QLTT địa phương đều công khai đường dây nóng 24/24h để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về thị trường hàng hóa và công tác phòng chống COVID-19. Số hotline của Tổng cục QLTT là 1900888655.

PT/chinhphu.vn