Triển khai đồng bộ giải pháp, hướng tới mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Admin
(Chinhphu.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang triển khai cơ chế tín dụng ưu đãi đối với chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, cần sự vào cuộc một cách đồng bộ, sát sao của tất cả các bộ, ngành, chính quyền địa phương để tạo ra những cơ chế, chính sách có tính ưu đãi và đem lại những quyền lợi cho người tham gia vào chuỗi liên kết này.
Triển khai đồng bộ giải pháp, hướng tới mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trao đổi với đại diện các Hợp tác xã, DN tại Đồng Tháp - Ảnh: VGP/HT

Không giới hạn tín dụng cho chương trình 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao

Căn cứ Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án: "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", NHNN triển khai Chương trình cho vay theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Nếu triển khai Đề án này một cách quyết liệt với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 chúng ta sẽ có 1 triệu ha lúa đảm bảo chất lượng cao, giảm phát thải và đạt được những mục tiêu rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của Đề án này, ngành Ngân hàng nói chung và NHNN đã nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi theo những nội dung của Đề án. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN, Agribank, ngân hàng có vai trò chủ lực đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các chi nhánh, đơn vị thực hiện cụ thể trực tiếp cho vay đến các tỉnh ở ĐBSCL.

Triển khai đồng bộ giải pháp, hướng tới mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao- Ảnh 2.

Lãnh đạo NHNN và Agribank trao đổi, lắng nghe các ý kiến phản hồi về những thuận lợi, khó khăn đại diện DN kinh doanh xuất khẩu gạo - Ảnh: VGP/HT

Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao là một trong những nội dung rất quan trọng, thực hiện mục tiêu kép vừa nâng cao chất lượng gạo mà còn bảo đảm được việc bảo vệ môi trường giảm phát thải hiện nay.

"Xác định tầm quan trọng, NHNN hiện chưa nêu giá trị 'gói' cụ thể vì NHNN không giới hạn gói vay với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Điều này có nghĩa các ngân hàng đáp ứng theo nhu cầu theo khả năng của lĩnh vực này. Nếu ngân hàng thương mại không cân đối được nguồn vốn, NHNN sẽ hỗ trợ bằng nguồn tái cấp vốn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: Chương trình tín dụng có tính chất ưu đãi nên lãi suất cho vay giảm tối thiểu 1%, nếu được 2-3%/năm so với cho vay thông thường. Ngoài việc được giảm lãi suất cho vay, các đối tượng còn được vay theo hạn mức phù hợp với quy mô sản xuất và thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh.

"Các doanh nghiệp (DN) đầu tư trung dài hạn sẽ được tiếp cận vốn dài hạn. Không ngần ngại gì mà không cho vay trung dài hạn. Nếu trường hợp DN muốn vay 1.000 tỉ đồng cần vốn trung dài hạn để đầu tư nhà xưởng, kho bãi thì nhiều ngân hàng có thể cùng tham gia cho vay. Con số vài chục ngàn tỷ đồng tín dụng cho chương trình này cũng không phải là vấn đề với ngân hàng, quan trọng là khả năng hấp thụ vốn, có dự án khả thi", Phó Thống đốc cho biết thêm.

Lãnh đạo NHNN cho rằng, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và có nhiều cơ chế chính sách rõ ràng, nhưng vẫn cần sự vào cuộc một cách đồng bộ, sát sao của tất cả các bộ, ngành chính quyền địa phương để tạo ra những cơ chế, chính sách có tính ưu đãi và đem lại những quyền lợi thực sự cho những người tham gia vào chuỗi liên kết này. Ngoài tín dụng, các DN rất cần hỗ trợ lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi số, môi trường, dự báo rủi ro thiên tai… để bảo đảm đề án thực hiện đạt hiệu quả kinh tế, giảm được giá thành sản xuất, trồng lúa, tạo sự chủ động cho các DN, kể cả cung ứng vật tư đầu vào cũng như những DN tiêu thụ sản phẩm, tiêu thụ lúa cho bà con.

DN kỳ vọng được hỗ trợ hiệu quả khi tham gia chuỗi liên kết

Để góp phần thực hiện mục tiêu trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tới tất cả những DN, hợp tác xã những bà con nông dân tham gia vào chuỗi này đều là những đối tượng được thụ hưởng. Về phía mình, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai rộng rãi các chương trình này, bảo đảm đúng quy định những đối tượng được thụ hưởng và những nội dung được đặt ra.

Triển khai đồng bộ giải pháp, hướng tới mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao- Ảnh 3.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank: Agribank cam kết triển khai, trước mắt thí điểm 30.000 tỷ đồng cho chương trình - Ảnh: VGP/HT

Các thành viên đã tham gia liên kết rất chặt chẽ thì sẽ giảm thiểu yêu cầu, thậm chí có thể vay không cần tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý được dòng tiền. Các ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn trung dài hạn. Các DN cũng cần nâng cao năng lực thu mua, chế biến tại chỗ, cũng như là những DN cung ứng vật tư thiết bị hỗ trợ cho bà con trong quá trình nuôi trồng lúa…

"Chúng tôi cho rằng đây là giai đoạn thí điểm, sẽ tiếp tục lắng nghe tiếp thu những gì có thể còn vướng mắc, những gì chưa đồng bộ, để có thể tư vấn tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Để triển khai hiệu quả chủ trương của Chính phủ, lãnh đạo NHNN đã có các buổi làm việc, khảo sát thực tế, tìm hiểu khó khăn vướng mắc của các DN, hợp tác xã tại Đồng Tháp, An Giang trong quá trình triển khai mục tiêu 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp.

Qua khảo sát thực tế, Phó Thống đốc cho rằng: Nếu như thực hiện tốt tất cả những chính sách đã được đặt ra trong Quyết định 1490/QĐ-TTg thì những người tham gia vào chuỗi liên kết này sẽ được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước rất tích cực, bảo đảm tính lâu dài, tính ổn định và bền vững của việc liên kết giữa các DN hợp tác xã, hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư ban đầu đến khâu trồng trọt đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chơn Chính (Đồng Tháp) cho rằng, khi tham gia Đề án DN sẽ được tiếp cận được nguồn vốn lãi suất phù hợp để phục vụ bà con nông dân thu mua hiệu quả. Ngược lại, nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ sự liên kết với DN, còn DN cũng có lợi khi có nguồn hàng ổn định. Sự hợp tác này giúp DN đảm bảo nguồn cung, tránh thiếu hụt khi cần ký kết các đơn hàng lớn. Nếu đề án 1 triệu ha được triển khai tốt, chi phí canh tác của nông dân sẽ giảm, giúp giảm giá bán, trong khi chất lượng hàng hóa sẽ được nâng cao.

Cụ thể, lúa được kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu thì bán được vào thị trường châu Âu, Mỹ, giá tăng cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thông thường. Còn với DN, khi chất lượng lúa ổn định thì DN mạnh dạn ký đơn hàng xuất vào những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Canada…

Tuy nhiên, để yên tâm làm ăn lớn là đầu tư kho bãi, đại diện Công ty TNHH Chơn Chính mong muốn vay thêm 150-200 tỉ đồng từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, để thu mua lúa và nhất là nguồn vốn trung dài hạn cho mở rộng diện tích kho chứa lên gấp đôi 50.000 tấn so với hiện nay và hệ thống sấy tương đương công suất 1.000 tấn/ngày. Bởi đến thời điểm thu hoạch, sản lượng lúa được thu mua tập trung nhiều thì phải sấy nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng lúa ổn định, đồng đều.

Có cùng quan điểm, ông Trần Trương Tấn Tài - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VietNamrice) cho biết, khi tham gia chương trình, chi phí sản xuất lúa thấp còn giá bán lúa cao hơn 1.000 đồng/kg lúa trồng theo cách thông thường. Bên cạnh đó, hiện nay thị trường gạo ở các đối tác châu Âu, châu Mỹ đang gia tăng các "rào cản" thương mại, yêu cầu rất cao về chất lượng. Vinarice đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất áp dụng công nghệ mới, trồng lúc chất lượng cao, giảm phát thải... DN rất cần vốn trung dài hạn, đầu tư công nghệ trong việc xây dựng thương hiệu gạo.

Agribank tăng quy mô tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm, thủy sản lên 13.000 tỷ đồngĐẩy mạnh tín dụng ưu đãi, thực hiện mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao

"Việt Nam không chỉ cần sản xuất nhiều gạo 5% tấm tương đương như Ấn Độ, Thái Lan mà phải hướng tới chất lượng cao hơn nữa, do đó, Đề án 1 triệu ha thuận lợi cho việc đó, các DN có thể tận dụng vốn ưu đãi từ ngắn, trung dài hạn, cùng nhau xây chuỗi, nâng tầm giá trị gạo Việt", ông Trần Trương Tấn Tài bày tỏ kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết đã thí điểm 50ha trồng lúa giảm phát thải, bước đầu đã cho kết quả rất tích cực. Việc trồng lúa giảm phát thải có lượng phân bón giảm từ 60kg xuống còn 40kg so với trồng lúa theo cách thông thường. Không chỉ có vậy, việc giảm lượng phân bón còn giúp giảm khoảng 30% nhân công lao động và giảm tác hại môi trường, làm cơ giới hóa nông nghiệp và tính theo chứng chỉ carbon.

Hợp tác xã Thắng Lợi muốn mở rộng thêm 100ha trồng lúa nữa, được hỗ trợ kỹ thuật khi tham gia chuỗi liên kết… Đặc biệt, khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, người làm nông nghiệp sẽ thay đổi tư duy và phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp số, mọi thông tin, dữ liệu về giống lúa, ngày gieo hạt, bón phân… được lưu trữ trong máy điện thoại thông minh.

Dưới góc độ ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho hay, đến thời điểm hiện tại, Agribank đã phối hợp cùng các bộ ngành thực hiện chương trình, đã hướng dẫn các Chi nhánh Agribank trên địa bàn 12 tỉnh thành ĐBSCL sẵn sàng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho chương trình 1 triệu ha lúa với lãi suất thấp hơn 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường và nhiều ưu đãi khác.

Trong thời gian tới, với vai trò tiên phong, Agribank cam kết triển khai, trước mắt thí điểm 30.000 tỷ đồng cho chương trình này, đồng thời không hạn chế quy mô. Agribank sẽ triển khai nhiều chương trình, sản phẩm gắn với từng chuỗi liên kết, từng vùng đặc thù để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính phục vụ cho đề án này một cách ưu việt nhất, góp phần hoàn thành đề án, gắn với chương trình chuyển đổi số.

Anh Minh