"Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam" có độ dày 200 trang được chia thành 3 chương trong đó mỗi chương đề cập tới một nội dung trọng tâm chính như: Khái quát về nghệ thuật opera thế giới và quá trình hình thành – phát triển của nghệ thuât opera Việt Nam (chương 1), một số mô hình đào tạo ca sĩ opera trên thế giới và thực trạng đào tạo ca sĩ opera ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (chương 2), thông qua đó (chương 3) tác giả đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ca sĩ hát Opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
TS.NSND Quôc Hưng, hiện là trưởng khoa thanh nhạc- Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là một nghệ sĩ sở hữu giọng bass uy tín bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. Anh từng giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp trong nước cũng như quốc tế như: Giải Nhất Cuộc thi hát thính phòng nhạc kịch toàn quốc lần thứ II năm 2000, Cúp vàng Liên hoan âm nhạc quốc tế Mùa Xuân tại Bình Nhưỡng - CHDCND Triều Tiên năm 2004... Anh cũng từng đảm nhiệm nhiều vai diễn trong các vở opera được công chiếu tại Việt Nam chẳng hạn như vai Erimit trong vở opera "Viên đạn thần" của Weber công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1999, vai Sarastro trong vở opera "Cây sáo thần" của Mozart công diễn tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016...
Bên cạnh biểu diễn, Đỗ Quốc Hưng giành một phần lớn thời gian và tâm huyết của mình cho sự nghiệp đào tạo thanh nhạc. Anh chia sẻ: “Opera là đỉnh cao của nghệ thuật ca hát, không chỉ là sự vận dụng của hơi thở, âm thanh mà còn là sự cảm nhận của mỗi nghệ sĩ vào âm nhạc, trong từng diễn biến của một nhân vật trong tác phẩm. Vì vây muốn trở thành một ca sĩ hát opera đòi hỏi người nghệ sĩ phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức trong suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật”. Tuy nhiên, học tốt kỹ thuật, thể hiện đúng tình cảm của các tác phẩm opera thế giới dù khó nhưng vẫn chưa đủ, người nghệ sĩ hát opera ở Việt Nam còn phải dày công nghiên cứu, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn bản thân cũng như từ các đồng nghiệp để rồi đưa ra những đúc kết phù hợp với đặc điểm giọng hát của người Việt. Đây chính là vấn đề đáng lưu tâm nhất hiện nay của ngành nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam. Nó đã và đang được các thế hệ nghệ sĩ thanh nhạc của chúng ta dày công nghiên cứu, tìm tòi trong suốt 65 năm qua. Bản thân TS.NSND Quốc Hưng cũng là một trong những nghệ sĩ tiếp nối hành trình này. Anh luôn đau đáu trong mình cần phải góp phần cùng các thế hệ đi trước, đóng góp cho nghệ thuật opera Việt Nam theo sở trường và khả năng của mình.
Cuốn sách "Đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam" được xuất bản trên cơ sở biên soạn có chỉnh sửa bổ sung từ luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học chuyên ngành Âm nhạc học mà tác giả Quốc Hưng đã bảo vệ thành công năm 2018 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2018. Theo cố GS.NSND Nguyễn Trung Kiên đánh giá (năm 2019): “Đây là công trình hưu ích, có giá trị thực tiễn không chỉ riêng đối với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mà còn là nguồn tài liệu tham khảo quý đối với lĩnh vực đào tạo thanh nhạc nói chung, opera nói riêng ở nước ta”. GS.NSND Nguyễn Trung Kiên còn nhận định: “Việc xuất bản cuốn sách này cũng là một nỗ lực của tác giả góp phần cho sự tồn tại và phát triển bộ môn nghệ thuật ca hát vốn được coi là đỉnh cao này tại Việt Nam”
Đối với cá nhân TS.NSND Đỗ Quốc Hưng, anh cho rằng việc phát hành cuốn sách trong thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt với anh bởi năm 2021 ghi dấu ấn 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cái nôi đào tạo âm nhạc hàng đầu tại Việt Nam nơi anh đã học tập và gắn bó với sự nghiệp giảng dạy cho tới thời điểm này, ở cương vị Trưởng khoa Thanh nhạc. Trong khi đó, đây cũng là dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2021, TS.NSND Đỗ Quốc Hưng cũng muốn thông qua đây như một tri ân với các thầy của mình: Cố GS.NSND Nguyễn Trung Kiên, NSND Trần Hiếu... Ở góc độ khác, cũng năm 2021 ghi dấu ấn tròn 30 năm TS.NSND Đỗ Quốc Hưng bước chân sang lĩnh vực âm nhạc và quyết tâm gắn bó trọn vẹn cuộc đời, hoạt động nghệ thuật của mình với âm nhạc.
N.P