Lương tăng, giá cả tăng theo
Là một trong những đối tượng được thụ hưởng chính sách tăng lương trong dịp này, chị Phùng Thị Ngân, cùng gia đình ở trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh chia sẻ: “Lương mới của tôi sẽ tăng khoảng 210.000 đồng/tháng, với tổng thu nhập khoảng 9,2 triệu đồng/tháng. Chị Ngân làm văn phòng cho một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, gần 20 năm ở trọ bởi đồng lương chỉ “khéo co thì đủ” nên chưa thể mua được nhà. Chị Ngân cho biết, mỗi tháng phải lo toan rất nhiều khoản chi tiêu, từ thuê nhà trọ, tiền học cho các con, tiền ăn, điện, nước... thì việc được tăng thu nhập luôn được mong chờ. Tuy nhiên, chị Ngân nhận thấy mỗi lần thu nhập của người lao động được điều chỉnh, giá cả các mặt hàng cũng có xu hướng tăng theo.
Điển hình như lần tăng lương này, là người trực tiếp đi chợ hàng ngày, chị Ngân thấy rõ việc tăng giá các mặt hàng đã “đón lõng” từ trước đó. “Đơn cử một chai xì dầu, trước đây có giá 11.000 đồng, thì nay 18.000 đồng; thịt ba chỉ từ 110.000 đồng/kg đã 140.000 đồng/kg; 1 thùng sữa tươi trước đây 320.000 đồng thì nay 335.000 đồng. Cộng dồn mỗi mặt hàng thiết yếu, dù tăng từ vài nghìn tới vài chục nghìn đồng cũng đã bằng, thậm chí vượt xa khoản tiền lương được tăng”.
Không phải đợi khi Nghị định 74/2024/NĐ-CP được ban hành, tại Khu công nghiệp Thăng Long, nhiều công ty đã đều đặn tăng lương vào đầu mỗi năm cho người lao động, tăng từ khoảng 100.000 đồng. Năm nay, đón đầu mức tăng theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, một số công ty đã cộng dồn lên mức khoảng 300.000 đồng ngay từ tháng 1/2024.
Chị Đặng Thu, quê ở Nghệ An, làm công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, ở trọ tại xã Hải Bối có mức lương khoảng hơn 6 triệu đồng, bao gồm cả tiền chuyên cần (200.000 đồng/tháng với điều kiện không đi muộn phút nào), tiền hỗ trợ xăng xe (200.000 đồng/tháng), hỗ trợ thuê nhà trọ (100.000 đồng/tháng). Mức thu nhập này đã cao hơn quy định về mức lương tối thiểu vùng và việc điều chỉnh thu nhập cho người lao động cũng đã được công ty tiến hành từ trước 1/7. Vì vậy, lần tăng lương này, mặc dù không nhận sự tác động trực tiếp nhưng chị Thu và nhiều công nhân khác đã nhận thấy rõ sự thay đổi khi chi phí sinh hoạt có chiều hướng tăng lên.
“Khi đi chợ, mình thường chọn mua thịt, rau của các bà bán rau nhà trồng để rẻ hơn mua tại các sạp cố định. Mấy ngày nay, rau của các bà cũng đã tăng thêm 1.000-2.000 đồng/mớ. Người lao động chúng tôi xác định, khi nào được tăng lương nhờ... thay đổi vị trí việc làm mới thì đó mới là tiền mình chắc chắn thực nhận. Nếu tăng lương đồng loạt mà giá cả lại tăng theo thì... cũng chỉ là lấy chỗ nọ, bù vào chỗ kia”- chị Thu chia sẻ.
Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, công nhân Công ty May K+K ở cụm công nghiệp Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ cho biết: “Do công ty có điều kiện nên đã tăng lương cho người lao động từ đầu tháng 6 này. Mức tăng dựa theo năng lực và vị trí việc làm của từng người. Hiện lương sau tăng của Quỳnh gần 7,8 triệu đồng gồm cả phụ cấp (tăng 470.000 đồng)”- chị Quỳnh cho hay, đây là đợt tăng lương đầu tiên từ sau khi xảy ra dịch Covid-19. Vui vì lương tăng, nhưng nhẩm tính qua 1 tháng, chị Quỳnh lại không thể để dành được khoản tiền này (470.000 đồng) bởi đã chi tiêu hết do các chi phí sinh hoạt tăng theo.
Hầu hết người lao động chỉ trông chờ vào tiền lương để trang trải cuộc sống nên khi giá hàng hóa tiêu dùng tăng dù là mỗi thứ một ít, cộng vào cũng ảnh hưởng không nhỏ. Đối với công nhân, lao động làm việc ở thành phố phải thuê trọ thì càng khó khăn chất chồng khi vật giá tăng, nhiều chủ nhà trọ còn vin vào cớ tăng lương mà tăng tiền thuê nhà… Bởi vậy, thực tế việc tăng lương nhưng người lao động lại “có tiếng mà không có miếng”. Điều này cũng từng xảy ra ở những kỳ tăng lương trước.
Để niềm vui trọn vẹn
Thông tin tại họp báo Chính phủ ngày 6/7 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng giá do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, làm tăng CPI chung. Trong đó, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51%; chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 được công bố ngày 20/6/2024 của Viện Nghiên cứu và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, năm 2024 có một số yếu tố ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm, trong đó có nguyên nhân từ thời tiết cực đoan và tăng lương từ 1/7. Cho rằng việc tăng lương là tín hiệu vui, góp phần nâng cao đời sống của người dân, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chia sẻ ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho rằng: “Việc tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024 sẽ tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống; hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Việc tăng lương tối thiểu cũng hạn chế các tranh chấp lao động tập thể, đình công, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định trật tự xã hội”.
Qua nắm biết về thực trạng sử dụng người lao động và những chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội nắm biết rằng, hầu hết các doanh nghiệp đã trả lương hàng tháng cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu dự kiến. Khi thực hiện mức lương tối thiểu mới, chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc của từng người lao động. Việc này nằm trong thoả thuận giữa bên chủ thể sử dụng lao động và người lao động. Mức tăng 6% là sự cảm thông giữa người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần lợi ích hài hòa và chia sẻ rủi ro.
“Doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ chúng tôi dù khó khăn, thách thức qua 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng cũng đã dần phục hồi, cũng bởi yếu tố vô cùng quan trọng là sự gắn bó, đồng hành, sẻ chia của từng người lao động”- ông Nguyễn Vân nhấn mạnh.
Để việc tăng lương cho người lao động không chỉ theo mức tăng tối thiểu theo quy định mà doanh nghiệp làm ăn tốt còn trả lương vượt xa mức đó thì cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội cũng hy vọng được đón nhận các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, Thành phố. Đó là sự quan tâm, thực hiện các chính sách về miễn, giãn và giảm thuế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy xúc tiến thương mại, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ phía ngân hàng của Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền Thủ đô đang quyết liệt triển khai, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Từ đó, doanh nghiệp cũng có điều kiện thực thi tốt hơn nữa công tác chăm lo, chi trả lương, thưởng, an sinh xã hội cho người lao động.
Để niềm vui tăng lương cho người lao động thực sự trọn vẹn, từ 1/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo triển khai tốt việc tăng lương. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo nhấn mạnh các giải pháp để không tăng giá vào thời điểm tăng lương. Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu các giải pháp chủ động ứng phó với những biến động của thị trường.