Tuyển dụng người tài: TPHCM cần làm gì?

Admin
(Chinhphu.vn) - Nghị quyết 98 của Quốc hội mang lại cho TPCHM các cơ chế đặc thù để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đến cống hiến cho Thành phố. Trước khi có Nghị quyết 98, TPHCM cũng đã có các chính sách thu hút nhân tài, nhưng không mang lại hiệu quả.

Năm 2014, TPHCM ban hành Quyết định 5715 thí điểm chủ trương tuyển dụng người tài. Quyết định được áp dụng trong 5 năm để tuyển người tài cho các lĩnh vực trọng điểm. Chuyên gia khi đó được hưởng thu nhập thỏa thuận không quá 150 triệu đồng mỗi tháng; chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ kinh phí dự hội thảo cùng nhiều ưu đãi về xuất, nhập cảnh, thuế, nhà ở, hỗ trợ người thân...

Trong thời gian thực hiện, TPHCM thu hút 19 được nhà khoa học về làm việc.

Từ năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 của UBND TPHCM với nhiều chính sách thay đổi.

Theo đó, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt nhận được nhiều đãi ngộ như: Trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng; thu nhập theo hệ số lương nhà nước; hưởng 1% đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách nhà nước, tối đa một tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở, phương tiện...

Tuy nhiên, với lý do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, 14 trên 19 chuyên gia tham gia trước đó đã rời đi. Chương trình cũng không hấp dẫn thêm người mới nên từ năm 2019 đến nay, TPHCM không thu hút nhân tài mới nào.

Tuyển dụng còn bị động

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS. Hoàng Thế Bân, chuyên gia tại Khu công nghệ cao Thành phố, một trong số các chuyên gia còn cống hiến cho TPHCM sau 2 chương trình thu hút người tài cho rằng, các chế độ, chính sách của TPHCM về việc này là tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khác biệt lớn giữa chương trình của Thành phố khi so sánh với các nước khác đó là vẫn còn bị động.

"Chúng ta không thể cứ đưa ra chương trình xong rồi ngồi chờ các chuyên gia tới xin việc. Trong khi ở những nước khác, họ chủ động mời gọi. Đối tượng chuyên gia rất đặc biệt, không phải như những lao động khác. Họ thường là những người lớn tuổi, có nhiều năm kinh nghiệm trong công việc nên phải chủ động tiếp cận và mời họ làm việc và chứng tỏ mình cần người đó", TS. Hoàng Thế Bân nêu ý kiến.

Chủ động ở đây, theo TS. Hoàng Thế Bân, còn là Thành phố phải giao quyền tuyển dụng này lại cho những đơn vị có nhu cầu trực tiếp, ví dụ như doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và đơn vị đó lại tiếp tục tìm chuyên gia mình cần.

"Thành phố không cần lập hội đồng xét, đánh giá làm cho phức tạp lên, làm khó cho cả đơn vị có nhu cầu tuyển dụng và cũng làm khó cho chuyên gia", ông Bân nhấn mạnh.

Về chế độ đãi ngộ, TS. Hoàng Thế Bân cho rằng với Nghị quyết 27 của HĐND TPHCM, mức đãi ngộ chuyên gia có thay đổi nhiều, tiệm cận với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cách thức, hình thức, quy trình xét tuyển phải gọn nhẹ lại.

Cần cải thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Lê Thanh Long, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, người vừa nhận Danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM hồi đầu năm 2024 cho hay, có một số rào cản khiến TPHCM trong những năm qua mặc dù đã "trải thảm đỏ" để tuyển dụng người tài nhưng vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn, đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuyên gia.

Ngoài ra, ông Lê Thanh Long còn cho rằng phúc lợi xã hội và các ưu đãi tài chính có thể chưa đủ cạnh tranh so với các nước trong khu vực, ví dụ như cơ hội việc làm cho vợ/chồng, giáo dục cho con cái và điều kiện sống…

Đồng quan điểm với TS. Hoàng Thế Bân, PGS.TS Lê Thanh Long nhận định cần đơn giản hóa và minh bạch quy trình trong tuyển dụng và hỗ trợ chuyên gia.

Thành phố cũng nên chú trọng hơn vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng nghiên cứu và trang thiết bị hiện đại, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho gia đình chuyên gia, đảm bảo họ có môi trường sống tốt. Ngoài ra, Thành phố cần cải thiện thêm về chất lượng cuộc sống, đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, môi trường và lĩnh vực sản xuất.

Anh Thơ