Tuyên Quang sớm hoàn thành xóa nhà tạm cho người có công - món quà ý nghĩa trước 27/7

Admin
(Chinhphu.vn) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến 27/7 – Ngày Thương binh, Liệt sĩ, mốc thời gian quan trọng để các địa phương trên cả nước hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cả hệ thống vào cuộc, cả cộng đồng chung tay

Trong những ngày tri ân đầy ý nghĩa này, tin vui từ các địa phương liên tiếp được báo về, mang theo niềm xúc động và sự ấm lòng đối với hàng nghìn hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.

Tuyên Quang là một trong những tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu. Tính đến ngày 13/7, toàn tỉnh đã khởi công 15.868 căn nhà, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, 12.882 căn đã hoàn thành, gần 3.000 căn còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ.

Tuyên Quang sớm hoàn thành xóa nhà tạm cho người có công - món quà ý nghĩa trước 27/7- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phan Huy Ngọc khánh thành nhà ở cho hộ người có công Hoàng Thị Tô, xã Vĩnh Tuy, tỉnh Tuyên Quang - Ảnh: VGP/SH

Không chạy theo hình thức hay thành tích, lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, tỉnh xác định rõ quan điểm: hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, bảo đảm nhà xây dựng phải kiên cố, bền vững – như một lời tri ân xứng đáng gửi đến những người đã hy sinh, cống hiến vì Tổ quốc.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước ngày 27/7, Tuyên Quang đã vào cuộc quyết liệt. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm từng sở, ngành, địa phương. Sở Dân tộc và Tôn giáo chủ trì rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để cập nhật chính xác danh sách hộ gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở.

Tuyên Quang sớm hoàn thành xóa nhà tạm cho người có công - món quà ý nghĩa trước 27/7- Ảnh 2.

Truyền thống "uống nước nhớ nguồn" thấm đẫm trong từng viên gạch, mái ngói

Kết quả ấn tượng này không thể có được nếu thiếu sự đồng lòng từ cơ sở đến người dân. Ngoài nguồn lực từ ngân sách trung ương và Chương trình MTQG, Tuyên Quang đã huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa – từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đến sự đóng góp tự nguyện của người dân. Nhiều mô hình thiết thực như Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", các ngôi "Nhà tình nghĩa" đã trở thành hiện thực nhờ sự sẻ chia của cộng đồng.

Tại các xã, thôn, người dân góp công, góp sức: từ san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu đến hỗ trợ ngày công xây dựng. Mỗi căn nhà hoàn thiện không chỉ là thành quả của chính sách đúng đắn, mà còn là biểu tượng sinh động của tình làng nghĩa xóm, của truyền thống "uống nước nhớ nguồn" thấm đẫm trong từng viên gạch, mái ngói.

Những bài học từ thực tiễn

Lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ quá trình triển khai, tỉnh đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý, như: Rà soát phải kỹ lưỡng, sát thực tế, không để sót, không để trùng; công khai danh sách hỗ trợ để người dân giám sát. Vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở, người có uy tín được phát huy mạnh mẽ trong vận động, tạo sự đồng thuận.

Đặc biệt, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương phải rõ ràng, nhịp nhàng, trách nhiệm đến cùng. Bên cạnh đó, xã hội hóa không chỉ là nguồn lực mà còn là cách để huy động lòng dân – yếu tố quyết định sự bền vững của chương trình.

Khi những căn nhà kiên cố lần lượt được trao tay đúng dịp 27/7, đó không chỉ là việc hoàn thành một kế hoạch an sinh, mà còn là minh chứng sống động cho sự tri ân bằng hành động – đầy thiết thực, nhân văn. Tuyên Quang đã góp một tiếng nói mạnh mẽ vào bản hòa ca nghĩa tình đang lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Sơn Hào