Tin liên quan
Ung thư vú ở nam giới và những điều cần biết
Chia sẻ chiến lược tiếp thị sáng tạo về chăm sóc sức khỏe cộng đồng
“Đường chúng ta đi” - Khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước
Nguyên nhân ung thư vú ở nam giới
Mức độ hormone: Các tế bào vú bình thường phát triển và phân chia để đáp ứng với các kích thích nội tiết nữ như estrogen. Càng nhiều tế bào phân chia, càng có nhiều cơ hội mắc sai lầm khi sao chép ADN. Những thay đổi ADN này cuối cùng có thể dẫn đến ung thư. Do đó, các yếu tố làm mất cân bằng nồng độ nội tiết tố nữ và nam trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú.
Thay đổi gen (đột biến gen): Các nhà nghiên cứu đang đạt được tiến bộ lớn trong việc tìm hiểu cách thức những thay đổi nhất định trong ADN có thể khiến các tế bào bình thường trở thành ung thư. ADN là chất hóa học trong tế bào tạo nên gen của mỗi người và hướng dẫn cho cách thức hoạt động của tế bào. Con cái thường giống bố mẹ của mình vì họ là nguồn ADN của thế hệ sau và ADN ảnh hưởng nhiều hơn đến vẻ ngoài của mỗi người.
Một số gen giúp hướng dẫn kiểm soát thời điểm tế bào của mỗi người phát triển, phân chia và chết đi. Một số gen nhất định giúp tăng tốc độ phân chia tế bào được gọi là gen sinh ung thư. Những gen khác làm chậm quá trình phân chia tế bào hoặc khiến tế bào chết vào thời điểm thích hợp được gọi là gen ức chế khối u. Ung thư có thể do đột biến ADN làm “bật” gen sinh ung thư hoặc “tắt” gen ức chế khối u.
Theo TS.BS Vũ Đức Khiêm - BV Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, có 2 loại đột biến ADN gây ung thư vú ở nam giới bao gồm: Đột biến gen mắc phải và đột biến gen di truyền. Hầu hết các đột biến ADN liên quan đến bệnh ung thư vú ở nam giới xảy ra trong suốt cuộc đời thay vì được di truyền từ cha mẹ trước khi sinh. Nguyên nhân gây ra hầu hết các đột biến này đến nay vẫn chưa được biết rõ.
Tuy nhiên, bức xạ đến vùng vú là một yếu tố gây ung thư vú trong một số ít trường hợp. Một số đột biến mắc phải của gen sinh ung thư và/hoặc gen ức chế khối u cũng có thể là kết quả của các hóa chất gây ung thư trong môi trường hoặc trong chế độ ăn uống. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được điều này.
Một số thay đổi ADN di truyền có thể là nguy cơ cao phát triển một số bệnh ung thư và là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư ở một số gia đình. Một số bệnh ung thư vú có liên quan đến đột biến di truyền của gen ức chế khối u BRCA1 hoặc BRCA2. Thông thường, các gen này tạo ra các protein giúp tế bào nhận ra và/hoặc sửa chữa các tổn thương ADN và ngăn chúng phát triển bất thường. Nhưng nếu một người đã thừa hưởng một gen đột biến từ cha hoặc mẹ, khả năng phát triển ung thư vú sẽ cao hơn.
Nam giới có đột biến di truyền ở gen BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn và có thể mắc một số bệnh ung thư khác như ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tụy. Ngoài ra còn có các hội chứng ung thư di truyền khác có thể liên quan đến ung thư vú ở nam giới.
Điều trị ung thư vú ở nam giới
Điều trị ung thư vú ở nam giới cũng giống như ở nữ giới, bao gồm cắt bỏ, sau đó là liệu pháp nội tiết bổ trợ, hóa trị hoặc xạ trị.
Đối với cả DCIS và ung thư vú xâm lấn giai đoạn sớm, khuyến nghị phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị đầu tiên. Để đảm bảo rằng toàn bộ khối u được loại bỏ, phẫu thuật cũng sẽ loại bỏ một vùng nhỏ mô bình thường xung quanh khối u.
Mặc dù mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ tất cả các khối ung thư có thể nhìn thấy được, nhưng các tế bào cực nhỏ có thể vẫn còn sót lại sau khi phẫu thuật ở vú hoặc ở những nơi khác. Trong một số tình huống người bệnh có thể cần thực hiện một cuộc phẫu thuật khác để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.
Đối với ung thư kích thước lớn hoặc ung thư phát triển nhanh, có thể điều trị toàn thân bằng hóa trị hoặc nội tiết tố trước khi phẫu thuật. Đây được gọi là liệu pháp bổ trợ trước hoặc điều trị trước phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, các liệu pháp bổ trợ có thể được thực hiện để giảm nguy cơ tái phát và loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong vú hoặc các nơi khác trong cơ thể. Các liệu pháp bổ trợ có thể bao gồm: xạ trị, hóa trị liệu, điều trị đích, nội tiết.
Các liệu pháp bổ trợ có cần thiết hay không phụ thuộc vào khả năng tế bào ung thư vẫn còn trong cơ thể hoặc ở vú và mức độ hiệu quả của một phương pháp điều trị cụ thể để điều trị ung thư. Việc lựa chọn liệu pháp bổ trợ phụ thuộc vào giai đoạn, đặc điểm của bệnh ung thư, sức khỏe và sở thích của bệnh nhân. Mặc dù liệu pháp bổ trợ làm giảm nguy cơ tái phát, nhưng vẫn sẽ có một số nguy cơ tái phát nhất định.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư vú ở nam giới
Theo bác sĩ Khiêm, ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tránh các thực phẩm độc hại như rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chế biến sẵn, kiểm soát căng thẳng stress, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc bức xạ; tập thể dục hàng ngày… là tiền đề giúp bảo vệ mỗi người khỏi ung thư vú và các bệnh lý nói chung.
Thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm ít nhất một lần hoặc 2 lần ở người có yếu tố nguy cơ; tầm soát ung thư vú ít nhất một lần sẽ giúp phòng ngừa hoặc phát hiện sớm ung thư vú để điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ sống thêm sau 5 năm.
Có thể nói, mặc dù ung thư vú ở nam giới ít gặp hơn ung thư vú ở nữ giới nhưng mức độ nguy hiểm của ung thư vú ở cả hai giới đều tương đương nhau. Nếu phát hiện trễ, tiên lượng điều trị và tỷ lệ sống sau 5 năm thấp. Tuy nhiên, ung thư vú ở nam giới cũng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn sớm và điều trị đúng phương pháp, hiệu quả.
Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của ung thư vú ở nam giới là 84%. Tuy nhiên, tỷ lệ sống thêm của của mỗi cá nhân còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, bao gồm cả giai đoạn của bệnh khi được chẩn đoán lần đầu tiên. Nếu ung thư chỉ nằm ở vú, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của nam giới mắc ung thư vú là 97%.