Vắc-xin: Vũ khí mới trong dự phòng sốt xuất huyết tại Việt Nam

Admin
(PNTĐ) - Tính đến tháng 8/2024, vắc-xin sốt xuất huyết Qdenga (Takeda, Nhật Bản) đã được chấp thuận sử dụng ở 40 quốc gia, đảm bảo an toàn và hiệu quả phòng bệnh cao khi chủng ngừa cho các đối tượng được chỉ định là trẻ em từ 4 tuổi và người lớn.
Vắc-xin: Vũ khí mới trong dự phòng  sốt xuất huyết tại Việt Nam - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: VNVC

Tại Việt Nam, hiện nay vắc-xin sốt xuất huyết đã được phê duyệt lưu hành sử dụng. Sự kiện này đánh dấu một bước quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh của nước ta. 

Từ 1959 đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi bệnh lưu hành ngày càng phức tạp, lan rộng và diễn ra quanh năm không còn theo mùa; các biện pháp kiểm soát muỗi truyền bệnh gặp nhiều khó khăn do vấn đề đô thị hóa, giao thương, đi lại. Hằng năm, nước ta có hàng trăm nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết với hàng chục đến hàng trăm ca tử vong. WHO đánh giá sốt xuất huyết là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế.

Hiện virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh khác nhau, nhiễm lần đầu với bất kỳ một trong các tuýp huyết thanh được cho là sẽ tạo miễn dịch lâu dài nhưng có thể không kéo dài suốt đời và bảo vệ tạm thời (ước tính từ vài tháng đến 1-2 năm chống lại các tuýp huyết thanh khác). Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.

Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Bệnh có nguy cơ trở nặng vào giai đoạn hết sốt từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh khiến người bệnh dễ chủ quan. Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc sốt xuất huyết là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… 

Bệnh sốt xuất huyết khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc sốt xuất huyết có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Theo nghiên cứu, 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết. Bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo. 

Cập nhật các thông tin mới nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết hiện đang tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 8/2024, bệnh viện có 130 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện và 8 trường hợp gặp biến chứng sốc sốt xuất huyết, phải điều trị tích cực.

Trong khi đó, thách thức đặt ra khi nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng sốt xuất huyết vô cùng lớn. Để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch hiệu quả, vắc-xin cần phải giảm độc lực, không còn khả năng gây bệnh cho người được tiêm nhưng vẫn đảm bảo khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch cho cả 4 tuýp huyết thanh của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.

Từ những năm 1980, nghiên cứu về vắc-xin đã trải qua một chặng đường dài với nhiều thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở 14 quốc gia, bao gồm 88 thử nghiệm lâm sàng trên các đối tượng từ 4 - 60 tuổi. Tại Việt Nam, vắc-xin đã được cấp phép vào tháng 5/2024, sau hàng thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm. Trong các nghiên cứu lâm sàng, hơn 20.000 người tham gia, độ tuổi từ 4 - 16, vắc-xin có hiệu lực trên 80% trong ngăn ngừa nhiễm bệnh và 90,4% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện sau 18 tháng theo dõi. Ngay cả sau 4,5 năm, hiệu lực vắc-xin vẫn được duy trì ở mức cao, đạt đến 84%.

Đánh giá ở người lớn từ 18 - 64 tuổi cho thấy, đáp ứng miễn dịch tương tự như ở trẻ em, chứng minh rằng vắc-xin có thể áp dụng rộng rãi. Đây thực sự là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn cầu.