Vai trò của báo Đảng trong tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Admin
(PNTĐ) - Sau một thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý văn hoá, đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Đây là bước đổi mới về tư duy trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tin liên quan

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Hành trình kết nối tình cảm cha con

Nhà báo Kiều Thanh Hương (Phó Trưởng ban Quản lý phóng viên thường trú báo Nhân Dân) đã có những chia sẻ về vai trò của báo Đảng trong tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Báo Đảng tiên phong trong tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Bởi lẽ, khái niệm người Hà Nội thanh lịch, văn minh – nét đẹp của người Hà Nội lâu nay - là khái niệm được hiểu còn khá chung chung. Điều này gây khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền, nhất là với những đối tượng là người nhập cư, mới tiếp xúc với văn hoá Hà Nội. Với việc ban hành Quy tắc ứng xử, thành phố đã cụ thể hoá khái niệm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành những tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ để người dân có thể thực hiện. Nói cách khác, là từ khái niệm mang nặng tính “định tính”, thành những tiêu chí có tính “định lượng”, rõ ràng, rành mạch.

Vai trò của báo Đảng trong tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh  - ảnh 1
Những hình ảnh đẹp được tích cực tuyên truyền, lan toả

Báo Đảng, gồm các báo Đảng Trung ương, trong đó có Báo Nhân Dân và của thành phố có vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận. Vào thời điểm ra đời, Quy tắc ứng xử và những quy tắc cụ thể còn khá mới mẻ với cộng đồng. Do đó, trong thời gian này, nhiệm vụ trước hết của báo Đảng là thông tin, tuyên truyền để cộng đồng hiểu ý nghĩa, mục đích; giới thiệu để người dân hiểu những nội dung cơ bản của Quy tắc ứng xử, những điều nên làm, những điều không nên thực hiện ở các không gian công cộng... Báo Nhân Dân đã có nhiều bài viết biểu dương những nét đẹp văn hoá ứng xử của người Hà Nội xưa cần lưu giữ, phát huy; nêu những yếu tố nào không phù hợp cuộc sống hiện đại cần bị loại bỏ; những biến đổi của xã hội trong những năm gần đây đặt ra những yêu cầu mới trong xây dựng văn hoá ứng xử của người Hà Nội. Từ đó, nhấn mạnh việc Quy tắc ứng xử vừa có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại. Trong các bài viết, báo Nhân Dân cũng đã lồng ghép ý nghĩa, mục đích với giới thiệu những quy tắc ứng xử có phạm vi ảnh hưởng rộng, thí dụ như: Quy tắc ứng xử tại công viên, vườn hoa; Quy tắc ứng xử tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng…

Vấn đề tiếp theo sau khi ban hành Quy tắc ứng xử và việc các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai vào thực tế, đặc biệt với Quy tắc ứng xử dành cho đội ngũ cán bộ, công chức. Nhiều quận, huyện đã có những sáng tạo trong thực hiện. Điển hình như quận Long Biên, gắn thực hiện Quy tắc ứng xử với đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ. Quận Long Biên chú trọng thực hiện Quy tắc ứng xử trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm tạo hiệu ứng lan toả. Khi nhận thấy cán bộ nhã nhặn, lịch sự trong giao tiếp, trong lời ăn tiếng nói thì người dân cũng sẽ chuyển biến theo. Một số quận, huyện như Hoàn Kiếm, Đông Anh…, bộ Quy tắc ứng xử được đặt trên bàn làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức như một lời nhắc nhở… Nhiều đơn vị chú trọng việc nêu gương trong thực hiện, hoặc kết hợp giữa thay đổi tác phong, nền nếp ứng xử với cải tạo không gian làm việc xanh, thân thiện, thí dụ như các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức... Hầu hết các quận, huyện, thị xã đều tổ chức Hội thi Tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử, được dư luận quan tâm.

Báo Đảng với vai trò tiên phong, đã tích cực tuyên truyền những cách làm mới, những kinh nghiệm hay trong thực hiện Quy tắc ứng xử, để lan toả những kinh nghiệm này đến cộng đồng. Chính việc vào cuộc tích cực này đã các đơn vị tham khảo, học hỏi lẫn nhau trong cách thức triển khai, đồng thời, giúp người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa Quy tắc ứng xử. Người dân hiểu rằng, đến mỗi địa điểm công cộng nhất định, mình nên làm gì và không nên làm gì. Thực tế cũng cho thấy, tại một số không gian, nhất là các không gian tín ngưỡng, tôn giáo, thư viện, nhà hát… nếp sống văn minh được cải thiện, không gian sạch sẽ, người dân ý thức được việc không vứt rác bừa bãi, không phóng uế, gây ồn ào.

Song song với tuyên truyền, cổ vũ, nhiệm vụ của báo Đảng nói chung, báo Nhân Dân nói riêng, là phát hiện kịp thời những bất cập từ cơ sở để phê bình. Thực tế cũng cho thấy, báo đã phản ánh những vấn đề như: Sự chuyển biến trong thực hiện Quy tắc ứng xử ở các không gian công cộng là không đồng đều. Nhiều công viên, vườn hoa vẫn ngập rác sau những dịp lễ, Tết. Vỉa hè, nhà ga, bến xe vẫn còn nhiều lộn xộn… Điều này giúp cho nhiều địa phương kịp thời điẻu chỉnh những thiếu sót của mình. Tuy nhiên, đây cũng là mảng mà truyền thông báo Đảng còn ít tiếp cận, ít phản ánh, hoặc thường chỉ phản ánh từ góc độ xử lý vi phạm trật tự văn minh đô thị chứ không đề cập, hoặc ít đề cập đến khía cạnh thực hiện Quy tắc ứng xử, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý liên quan đến những không gian này.

Đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động xây dựng "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp"

Phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50,4% dân số, đóng góp gần một nửa lực lượng lao động, có mặt trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và nét đẹp thanh lịch, đảm đang, phụ nữ Thủ đô ngày càng khẳng định vị thế vững chắc và có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Đặc biệt là trong việc xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo, trong đó có các hoạt động tập trung, điểm nhấn có sức lan tỏa trong cả nước, là nhiệm vụ cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Vai trò của báo Đảng trong tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh  - ảnh 2
Đại diện một số Hội LHPN các cấp Hà Nội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai cuộc vận động "Phụ nữ ứng xử đẹp" tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động hồi tháng 5 vừa qua. 

Thời gian qua, Hội LHPN TP Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới. Trong đó, đã tổ chức hiệu quả phong trào thi đua chào mừng 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và các ngày lễ lớn với các hoạt động phong phú, sáng tạo, nhiều công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả; Tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn, có sức lan tỏa, tôn vinh nét đẹp thanh lịch - văn minh của phụ nữ Thủ đô; Chủ động tham mưu đề xuất chính sách và thực hiện tốt các đề án, kế hoạch giai đoạn do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, hỗ trợ cho sự phát triển của phụ nữ.

Báo Nhân Dân nói riêng, các báo Đảng nói chung tập trung tuyên truyền, các cấp hội phụ nữ đã triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025", Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua đó, nhằm tuyên truyền, vận động phụ nữ thành phố nâng cao nhận thức và thực hành văn hoá ứng xử trong ăn mặc, nói năng, giao tiếp; văn hoá ứng xử trong gia đình, cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và trên không gian mạng. 

Báo tập trung đưa nhiều bài về các hoạt động của các tổ chức cấp hội, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới như những đề tài về chị em phụ nữ quận Hoàn Kiếm thực hiện văn minh thương mại khi bán hàng, Mô hình điểm “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại xã Cổ Loa của Hội LHPN huyện Đông Anh, mô hình “Đường hoa phụ nữ tự quản” góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ và nhân dân tại địa phương, các cấp hội phụ nữ tiếp tục duy trì nhiều loại hình câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ gắn với loại hình nghệ thuật truyền thống như: Câu lạc bộ Chèo ở huyện Phú Xuyên, quận Long Biên, quận Tây Hồ; Câu lạc bộ Ca Trù ở huyện Quốc Oai; Câu lạc bộ Cồng chiêng ở huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì...Các cấp hội thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa địa phương như Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch “Gia Lâm trong tôi”; các “Tổ phụ nữ nòng cốt tuyên truyền về Quy tắc ứng xử tại di tích lịch sử”; “Điểm hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích” tại quận Ba Đình… góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa truyền thống, biến giá trị văn hóa thành động lực cho phát triển du lịch, văn hóa của địa phương. Nhiều bài viết phản ánh các mô hình phụ nữ ứng xử đẹp trong gia đình và cộng đồng, nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa của phụ nữ Thủ đô.

Vai trò của báo Đảng trong tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh  - ảnh 3
Vẻ đẹp người phụ nữ sẽ có sức ảnh hưởng, lan toả lớn đến gia đình, xã hội 

Thời gian tới, Để có thể thực hiện tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền của hệ thống báo Đảng đối với thực hiện Quy tắc ứng xử, cần có sự phối hợp định hướng tuyên truyền đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá với cơ quan báo Đảng. Trong thực hiện Quy tắc ứng xử, mỗi năm nên chọn một hay một số chủ đề để tập trung tuyên truyền, tạo khâu đột phá trong thực hiện; đồng thời chủ trương thông tin về những chủ đề này sớm đối với báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng để có thể triển khai những đợt tuyên truyền hiệu quả. Thí dụ như vấn đề nếp sống văn minh tại chợ truyền thống, tại nhà ga, bến xe còn nhiều bất cập thì có thể chọn làm chủ đề cho năm tới.

Trong quá trình triển khai, một số nơi có những cách làm hay, các cơ quan báo Đảng sẽ sâu sát hơn để phản ánh những kinh nghiệm, những cách làm hiệu quả để các cơ quan, đơn vị khác học hỏi, tham khảo.