Vị "cứu tinh" của sách cũ

Admin
Ông Võ Văn Rạng, 64 tuổi, dành hơn 40 năm gắn bó với nghề phục chế sách cũ, là người hiếm hoi theo nghề này ở Tp.HCM.

Ngôi nhà đồng thời là tiệm phục chế sách cũ của ông Rạng nằm ở cuối hẻm 152 Lý Chính Thắng, quận 3. Tổ ấm vỏn vẹn 20 m2 của ông không thiếu thứ gì. Đồ đạc sinh hoạt, đồ nghề được sắp đặt gọn gàng, trên tường gắn hai giá sách lớn và treo cạnh là cây đàn guitar cũ.

Ông Rạng vừa trò chuyện vừa tỉ mỉ quết hồ vào gáy sách. Chân khập khiễng phải đi lại bằng nạng, mắt đeo cặp kính dày cộp nhưng bước đi của ông vẫn nhanh thoăn thoắt. Dịch bệnh kéo dài khiến quán vắng khách, ông vẫn ngày ngày đem sách cũ ra vá. "Vì nhớ nghề, không làm thì không chịu nổi" - ông nói.

Trước khi dịch bùng phát, tiệm của ông Rạng vốn đã vắng, nhiều ngày không có khách. "Quán đông nhất cũng từ thời bao cấp. Hồi đó các tiệm sách cũ ở Sài Gòn nhan nhản như nấm, tiệm nào cũng nhẵn mặt tôi. Giờ chúng sập hết, tôi chẳng còn mối để lấy sách về sửa. Khách của tôi bây giờ chỉ toàn người lớn tuổi tự tìm đến mình. Vì internet phát triển mạnh, giới trẻ toàn đọc sách trên mạng chứ ít mua sách giấy, sách cũ của tôi càng không có cửa", ông cho biết. 

Văn hoá - Vị 'cứu tinh' của sách cũ

Ông Võ Văn Rạng là người hiếm hoi theo nghề này ở Tp.HCM, tổ ấm vỏn vẹn 20m2 của ông không thiếu thứ gì.

Thu nhập của ông Rạng bấp bênh, phụ thuộc vào lượng khách hàng đến tiệm mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày ông chữa được từ 3-5 cuốn, tiền công từ 20.000-50.000 đồng mỗi cuốn, tùy mức độ hư hỏng. Sau khi trừ tiền vốn mua giấy, đồ vá và thuê đóng bìa, thu nhập của ông không còn bao nhiêu, chỉ đủ ăn. 

Ở Sài Gòn, phục chế sách cũ thậm chí không được coi là một nghề. Số người bám trụ với công việc này ít. Ông kể những đồng nghiệp từng làm cùng ông ở xưởng in ngày xưa đều đã bỏ nghề từ lâu. Nhiều người chuyển sang làm photocopy để có thu nhập khá, chỉ còn ông gắn bó với nghề. 

Sau khi nghỉ việc ở xưởng in, ông Rạng mua lại bộ máy cắt giấy cũ với giá rẻ từ chủ xưởng và còn giữ đến bây giờ. Ông chỉ làm một mình nên ngoài cắt giấy, mọi công đoạn phục chế sách đều được thực hiện thủ công. Mỗi cuốn sách đều mất ít nhất một ngày để hoàn thành, nhiều trường hợp khó mất đến vài ngày hoặc vài tuần.

Trong hơn 40 năm làm nghề, ông Rạng từng gặp nhiều trường hợp phục chế khó nhằn. Ông nói: "Hầu hết sách cũ đến tay tôi đều nát bươm, mục ruỗng, cần được phục chế gần như hoàn toàn. Tôi từng bị mắng nhiều vì làm không đúng ý khách. Công việc của tôi là giữ nguyên giá trị của những cái cũ nên phải dùng phương pháp đã cũ để làm. Ngoài chiếc máy cắt giấy, hồ dán, keo dán đều do tôi tự chế".

Văn hoá - Vị 'cứu tinh' của sách cũ (Hình 2).

Chân dung sản phẩm được "bác sĩ sách" chữa.

Khó khăn nhưng ông Rạng không bỏ nghề. Ông cho biết: "Công việc này không chỉ vì mưu sinh mà còn bởi mong muốn lưu trữ văn hóa, gìn giữ kỷ niệm. Nhiều cuốn sách là món quà cha để lại cho con, thầy tặng trò, tình nhân tặng nhau với những nét bút hoài niệm. Khách tha thiết được lưu giữ lại chúng, vậy nên giúp được khách, tôi thấy vui trong lòng".

Cơn sốt bại liệt từ năm 2 tuổi đã khiến chân phải của ông Rạng dị tật. Dừng việc học từ năm lớp 12, ông không thể tiếp tục ước mơ làm thầy giáo dạy văn. "Giờ tôi thấy nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. Tôi không được dạy chữ thì cũng là sửa chữ, âu cũng là cái duyên", ông Rạng nói. 

Ông cho biết nghề sửa sách không phải cứ cố theo là làm được, bởi phải có sự tỉ mỉ, khéo léo. "Hồi ấy, khi sửa phải làm lại bìa y như bản cũ, tôi khắc, chạm, đục, khuyết tên sách, hoa văn, họa tiết trang trí trên bìa với chất liệu là giấy, da mạ vàng. Lúc ấy, người thợ đóng sách cũ cũng giống như là nhà hội họa, điêu khắc".

Văn hoá - Vị 'cứu tinh' của sách cũ (Hình 3).

 Ông Rạng đọc hết các cuốn sách của khách mang đến sửa, chờ khách đến lấy rồi đem ra bàn luận.

Sống một mình, không có vợ con, hàng ngày ông Rạng bầu bạn với sách cũ. Ông cho biết nghề của mình không giàu nhưng có những niềm vui không mua được. Sách mà mọi người mang đến hầu hết là văn học, lịch sử... đúng thể loại ông thích. Sau khi sửa, ông Rạng lại ngồi đọc hết từng cuốn, chờ khách đến lấy rồi đem sách ra bàn luận. 

Một ngày làm việc của ông Rạng thường bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 4 giờ chiều. Do mắt kém, ông không làm việc khuya. Thường xuyên phải dùng ngón tay để giữ, miết sách nên nhiều khi bị mỏi khớp, ông đem guitar ra chơi để thả lỏng cơ thể. Hoàn tất công việc, ông đạp xe ra chợ mua đồ ăn về nấu, có tối lại đi nhậu lai rai với vài người bạn.

Ông Rạng không có nhiều người kề cạnh ngoài vài người khách quen hay đến tiệm phục chế. Sức khỏe của ông không tốt như trước, nhiều lúc ốm đau phải nhờ đến anh em, họ hàng. Ông Rạng nói: "Sống một mình hơi buồn nhưng tôi cũng quen. Sáng làm, chiều nghỉ, tối đi nhậu. Đến khi nào 'hết pin' thì tôi sẽ ngừng làm".