Vi phạm nồng độ cồn bị tước bằng xe máy, có được tiếp tục lái ôtô?

Admin
Nhiều người băn khoăn nếu vi phạm nồng độ cồn và bị tước giấy phép lái xe tích hợp khi đi xe máy thì có được tiếp tục lái ô tô?

Bằng lái xe tích hợp là loại bằng lái xe gộp 2 hoặc nhiều bằng lái xe không thời hạn chung với bằng lái xe có thời hạn. Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT không bắt buộc người dân phải tích hợp GPLX xe máy với GPLX ô tô. Việc tích hợp hay tách ra hoàn toàn do chủ phương tiện quyết định.

Theo Khoản 4 Điều 4 Thông tư 37/2017 của Bộ GTVT (thông tư quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt):

Trường hợp người vi phạm hành chính có giấy phép lái xe tích hợp của giấy phép lái xe có thời hạn và giấy phép lái xe không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định, xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo giấy phép lái xe và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc giấy phép lái xe không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm (xe ôtô hoặc máy kéo hoặc xe môtô). Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong giấy phép lái xe.

Như vậy, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng sẽ ghi rõ là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe máy trong giấy phép lái xe tích hợp. Như vậy, tài xế vẫn có thể điều khiển ôtô, nếu không có quyết định tước giấy phép đối với loại này. Khi điều khiển xe ôtô, cần mang theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc các giấy tờ khác có các thông tin này để tiện việc lưu thông và khi bị kiểm tra giấy tờ.

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với xe máy, ô tô

Căn cứ Điều 5 và Điều 6 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định mức xử phạt nồng độ cồn đối với xe máy và xe ô tô sẽ tuỳ thuộc nồng độ cồn được đo trên 100 mililít máu hoặc 1 lít khí thở. Cụ thể:

-Mức xử phạt nồng độ cồn đối với xe máy

Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phạt bổ sung bị tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.

Phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt bổ sung bị tước giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.

Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt bổ sung bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

-Mức xử phạt nồng độ cồn với xe ô tô

Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phạt bổ sung bị tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.

Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt bổ sung bị tước giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.

Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt bổ sung bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019 (được sửa, bổ sung đổi bởi Nghị định 123/2021) có thể thấy tất cả các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đều có thể bị tạm giữ xe và thời hạn tối đa của việc tạm giữ xe là 7 ngày.

Minh Hoa (t/h)