Việt Nam chủ động chuyển đổi cạnh tranh giá trị để thích ứng với thuế quan toàn cầu

Admin
Việc ông Donald Trump cam kết sẽ áp dụng thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu, theo chuyên gia, Việt Nam cần nhiều giải pháp chiến lược, đặc biệt là chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang giá trị để thích ứng với biến động thuế quan toàn cầu.
Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại mạnh mẽ với Mỹ
Việt Nam chủ động chuyển đổi cạnh tranh giá trị để thích ứng với thuế quan toàn cầu- Ảnh 1.

Với việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, xu hướng bảo hộ thương mại mà dễ thấy nhất là việc Hoa Kỳ sẽ tăng thuế quan nhập khẩu chắc chắn sẽ mạnh lên. Điều này được cho là sẽ dẫn tới sự chuyển dịch thương mại toàn cầu.

Dệt may được dự báo sẽ được hưởng lợi của sự chuyển hướng thương mại. Ảnh minh họa

Theo Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam, vấn đề thuế quan đặt ra nhiều thách thức, tuy nhiên, đây cũng có thể mở ra cơ hội để thúc đẩy làn sóng đổi mới và nâng cao chất lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam.

"Sự chuyển mình này có thể làm nổi bật vai trò của Việt Nam như một đối tác thương mại quan trọng hơn đối với Mỹ trong tương lai", chuyên gia nhận định, theo Markettimes.

"Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu", chuyên gia chia sẻ.

Sự chuyển hướng thương mại này có thể mang lại doanh thu cao hơn, cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam mở rộng quy mô hoạt động, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và giày dép. Việc gia tăng xuất khẩu sang Mỹ cũng có thể củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất của thế giới và thu hút thêm FDI.

Trước mục tiêu chính trị của chính quyền mới sắp tiếp quản Nhà Trắng, tương lai của thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ phụ thuộc rất lớn vào khả năng thích ứng và đổi mới của doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam chủ động chuyển đổi cạnh tranh giá trị để thích ứng với thuế quan toàn cầu- Ảnh 2.

"Khi chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp, cách tiếp cận chiến lược của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ với Hoa Kỳ khẳng định sự trưởng thành của đất nước trên bản đồ thương mại quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần hành động ngay từ bây giờ để đảm bảo vị thế của mình trong tương lai thương mại toàn cầu" - TS. Scott McDonald khẳng định.

Theo TS. Scott McDonald, có nhiều giải pháp chiến lược có thể làm thay đổi đáng kể vị thế xuất khẩu của Việt Nam trong thập kỷ tới, đặc biệt là chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị.

Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyển đổi cạnh tranh giá thành sang giá trị

Nhiều lĩnh vực đã sớm nắm bắt xu thế này, khi các nhà sản xuất lớn ứng dụng công nghệ 4.0, bao gồm hệ thống kiểm soát chất lượng bằng trí tuệ nhân tạo và dây chuyền sản xuất tự động. Những khoản đầu tư này không chỉ cải thiện năng suất mà còn giúp giảm thiểu tác động của thuế quan thông qua tiết kiệm chi phí vận hành.

Việt Nam chủ động chuyển đổi cạnh tranh giá trị để thích ứng với thuế quan toàn cầu- Ảnh 3.

Tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng là một chiến lược then chốt. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng các mạng lưới logistics tiên tiến với hệ thống theo dõi thời gian thực, quản lý hàng tồn kho thông minh và phân tích dự báo. Những cải tiến này giúp giảm thiểu lãng phí, hạ thấp chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng tại Hoa Kỳ.

Nhiều công ty Việt Nam đã mở văn phòng tại Hoa Kỳ, xây dựng mạng lưới phân phối và phát triển quan hệ trực tiếp với khách hàng cuối cùng. Việc hiện diện ngay tại thị trường này giúp họ duy trì tính cạnh tranh bất chấp sự gia tăng của các rào cản thuế quan.

Cùng với đó, việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng trở nên quan trọng.

Nhiều công ty Việt Nam không còn chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà đã thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược với doanh nghiệp Hoa Kỳ, bao gồm phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường và các hợp đồng cung ứng dài hạn để ứng phó với những biến động thị trường.

Đổi mới và chuyên môn hóa đang trở thành những lợi thế cạnh tranh khác biệt. Thay vì chỉ cạnh tranh về giá, các nhà sản xuất Việt Nam đang hướng tới phát triển các sản phẩm độc đáo và khả năng chuyên biệt, khiến họ trở thành đối tác giá trị của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Điều này bao gồm đầu tư vào nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm tùy chỉnh và nâng cao hệ thống kiểm soát chất lượng. Chúng ta đang chứng kiến một số công ty Việt Nam chuyển mình từ nhà sản xuất gia công sang vai trò đối tác kinh doanh thực thụ, có khả năng cung cấp các giải pháp toàn diện cho khách hàng Hoa Kỳ, theo Thời báo Tài chính.

Chuyên gia RMIT nhận định, doanh nghiệp Việt nên cạnh tranh về giá trị thay vì giá thành khi xuất khẩu sang Mỹ. Và tương lai của thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ phụ thuộc rất lớn vào khả năng thích ứng và đổi mới của doanh nghiệp Việt Nam.

Khánh Linh (t/h)