Việt Nam có thêm vắc xin mới phòng 23 chủng phế cầu

Admin
(PNTĐ) - Đây là vắc xin phòng 23 chủng vi khuẩn phế cầu (vắc xin phế cầu 23), gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi kèm nhiễm trùng huyết và viêm phổi mắc phải tại cộng đồng. Hiện, vắc xin phế cầu 23 đã có mặt ở gần 50 quốc gia trên thế giới, nhưng là lần đầu tiên người dân Việt Nam có cơ hội được tiêm vắc xin này.

Tin liên quan

Việt Nam: Hành trình phát triển đáng tự hào

“Lời Người để lại” khẳng định giá trị vượt thời đại của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hà Nội trình diễn drone, bắn pháo hoa trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm Giải phóng Thủ đô

Theo đại diện Hệ thống tiêm chủng VNVC – đơn vị đưa vắc xin phế cầu 23 vào tiêm chủng: Hiện vắc xin phế cầu 23 đã có đầy đủ tại gần 200 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, được bảo quản an toàn trong hệ thống hàng trăm kho lạnh đạt chuẩn GSP chất lượng quốc tế và sẵn sàng triển khai tiêm rộng rãi cho trẻ em từ 2 tuổi, người lớn, người cao tuổi có bệnh nền.

Việt Nam có thêm vắc xin mới phòng 23 chủng phế cầu - ảnh 1
Người dân đến tiêm chủng vắc xin phế cầu 23

Người suy giảm chức năng hô hấp do từng mắc Covid-19 như ho kéo dài, khan tiếng, khó thở, thở mệt, viêm phế quản; nhóm đối tượng nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch như mắc bệnh HIV, ung thư, bất thường chức năng lách, cắt lách, bệnh hồng cầu hình liềm, suy thận mạn, hội chứng thận hư, người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch…) cũng được khuyến cáo sử dụng vắc xin phế cầu 23.

Tuy nhiên, lịch tiêm vắc xin phế cầu 23 sẽ tùy theo độ tuổi và lịch sử chủng ngừa. Vắc xin được khuyến cáo tiêm bổ sung cho trẻ em và người lớn đã tiêm vắc xin phế cầu 10 và 13 để củng cố hiệu quả và tăng cường bảo vệ trước các chủng phế cầu khác mà hai loại vắc xin này chưa có. Trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn tiêm một liều cơ bản. Người có nguy cơ cao mắc bệnh cần tiêm chủng lại sau liều cơ bản 5 năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2021, có gần 9,8 triệu người mắc các bệnh lý phế cầu, nguy cơ tử vong lên đến 25% ngay cả khi được điều trị và sử dụng kháng sinh hợp lý. Theo WHO, trẻ em và người cao tuổi ở các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ước tính mỗi năm có 1 triệu trẻ tử vong do phế cầu.

Như vậy, việc có thêm một vắc xin mới giúp trẻ em và người lớn, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền phòng nhiều chủng vi khuẩn phế cầu hơn bên cạnh vắc xin phế cầu 10, 13 sẽ góp phần hoàn thiện lá chắn miễn dịch trước các bệnh do phế cầu gây ra ngày càng nguy hiểm và tình trạng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh của các loại vi khuẩn phế cầu ngày càng tăng cao.