Việt Nam sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm Halal

Admin
(Chinhphu.vn) - Các sản phẩm Halal bao gồm hầu như tất cả sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến lĩnh vực dịch vụ…
Việt Nam sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm Halal- Ảnh 1.

Lượng lớn nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP phù hợp với chứng nhận Halal - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, Việt Nam có năng lực xuất khẩu và thương hiệu thực phẩm, nông sản top 20 thế giới (theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách NN&PTNT), có nhiều mặt hàng tiêu biểu xuất khẩu top đầu thế giới như gạo, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá... cũng là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo; và nhiều trong số đó đã được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng như cà phê, trà, đậu, lương thực thực phẩm...

Lượng lớn nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP phù hợp với chứng nhận Halal (chứng nhận VietGAP, GobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, ISO...) và được người Hồi giáo ưa chuộng;

Việt Nam hiện có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal với các doanh nghiệp dẫn dắt như TH True Milk, Trung Nguyên café... là tiền đề dẫn dắt, ra tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm Halal thời gian tới.

Bộ NN&PTNT nhìn nhận, một trong những ưu thế khi Việt Nam tham gia thị trường Halal là việc Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với các nước, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...). Đặc biệt, với các khu vực tín đồ Hồi giáo lớn như Khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thành viên cộng đồng ASEAN; Khu vực Trung Đông ... là nền tảng để Việt Nam tiếp cận và tăng cường quan hệ hợp tác với thị trường Halal;

Việt Nam đang đàm phám để sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE trong năm 2024 và nghiên cứu khả năng đàm phán FTA với một số nước hối giáo/ đông tín đồ Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ...

Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023; Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia được thành lập (Tháng 4/2024) góp phần thống nhất quản lý nhà nước về chứng nhận Halal, tạo điều kiện thuận lợi và giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Việt Nam hiện đang hoàn thiện, xây dựng Nghị định quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal. Hành lang pháp lý được hoàn thiện đảm bảo cho việc quản lý và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển ngành kinh tế Halal thời gian tới.

Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Halal với 5 tiêu chuẩn, cụ thể: TCVN 12944:2020 Thực phẩm halal – yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN 13710:2023 Thực phẩm Halal-Yêu cầu đối với giết mổ động vật; TCVN 13888:2023 Đánh gái sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal. Đây là công cụ ban đầu giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu, áp dụng đúng vào sản xuất kinh doanh của mình để đạt chứng nhận sản phẩm Halal được thuận lợi.

Việt Nam sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm Halal- Ảnh 2.

Cần có chiến lược phát triển Hệ sinh thái Halal ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Giải quyết thách thức, nắm bắt cơ hội

Tuy Việt Nam đang hoàn thiện, xây dựng nền tảng pháp lý và hệ thống quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal nhưng thực tế trên thế giới chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng đối với tất cả các nước.

Cùng với đó có nhiều cơ quan, tổ chức chứng nhận Halal, quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức, quốc gia không thống nhất. Có thể coi chứng nhận Halal là một rào càn kỹ thuật làm tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường này.

Không những vậy, chi phí liên quan đến đánh giá sự phù hợp quá cao và chưa được kiểm soát liên quan quan đến chứng nhận Halal (bao gồm chi phí đầu tư chuyển đổi trong sản xuất, nguyên liệu đạt chuẩn, chuyên gia kiểm tra chất lượng, đánh giá sự phù hợp...);

Thực tế hiện nay Việt Nam cũng chưa hình thành Hệ sinh thái Halal, bao gồm: Sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, nhân lực Halal (con người có sự hiểu biết sâu sắc về Halal)...Trong khi đó, trên thị trường đã có các quốc gia tham gia với vai trò nhà cung cấp lớn, có kinh nghiệm và chiếm thị phần lớn như: Australia, Singapore, Thái Lan, Brazil...

Theo Bộ NN&PTNT, để vượt qua những khó khăn này cần tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển về đào tạo, sản xuất, phát triển chứng nhận Halal..., thúc đẩy hợp tác để đạt được các thỏa thuận phát triển thị trường Halal; Thúc đẩy các Hợp tác theo xu hướng liên kết như Nhà sản xuất - Nhà phân phối để đón nhận và tạo những xung lực cùng nhau phát triển.

Xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý từ cấp Nghị định và các văn bản dưới Nghị định để quản lý và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế Halal.

Bộ NN&PTNT cũng cho rằng cần có chiến lược phát triển Hệ sinh thái Halal ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao (bao gồm: trí tuệ nhận tạo AI, công nghệ kỹ thuật số, kinh tế xanh...) để đảm bảo sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương cũng như các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực của toàn xã hội cũng như nguồn lực bên ngoài nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; tạo ra, phát triển con người Halal; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hình thành Hệ sinh thái Halal của Việt Nam tương thích với các yêu cầu khác nhau của thị trường Halal; xác định những ưu về sản phẩm, thị trường... để có sự đầu tư, ưu tiên nguồn lực phát triển.

Hiện nay Việt Nam đang có triển vọng cả từ nội lực và ngoại lực để phát triển xuất khẩu nông nghiệp thực phẩm Halal.

Nội lực là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cùng với tiềm năng to lớn của nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam. Trong thời gian không xa hoàn toàn có thể tạo ra một Hệ sinh thái Halal hoàn chỉnh, bao gồm: Con người Halal (Cán bộ quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất hiểu biết sâu sắc, chuyên gia đánh giá... về Halal); sản xuất (nguồn nguyên liệu, công nghệ kỹ thuật, chuyên gia...); cơ sở pháp lý, hạ tầng (hành lang pháp lý quản lý sản phẩm dịch vụ, và chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm, dịch vụ halal; tổ chức chứng nhận/ hỗ trợ chứng nhận/ quản lý chất lượng halal áp dụng công nghệ cao...); gia tăng số lượng doanh nghiệp, nhà sản xuất sản phẩm Halal tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Triển vọng từ ngoại lực chính là nhu cầu to lớn của thị trường đối với nông sản thực phẩm Halal cùng với những nỗ lực hợp tác song phương và đa phương đảm bảo sự xâm nhập, phát triển mở cửa thị trường Halal cho các sản phẩm nông sản Việt Nam thông qua: Các cam kết, hiệp định, nghị định thư đạt được... về mở cửa thị trường cho các sản phẩm Halal, đặc biệt với các thị trường trọng điểm như UAE (cửa ngõ vào tiến vào thị trường Trung Đông), Malaysia, Indonesia...

Tận dụng tốt xu hướng hợp tác nhà sản xuất – phân phối với các đối tác quan trọng hàng đầu của thị trường Halal giúp ngành công nghiệp Halal tạo ra động lực hoàn thiện chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm Halal của Việt Nam.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thị trường Halal: Cơ hội mới cho nông nghiệp Việt NamThị trường Halal: Cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đề xuất 5 chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ HalalĐề xuất 5 chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ Halal