Việt Nam-Trung Quốc: "Càng giao lưu, đi lại nhiều thì càng hiểu biết, gần gũi'"

Admin
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ chia sẻ, trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc lãnh đạo và nhân dân 2 nước càng giao lưu, càng đi lại với nhau nhiều thì càng hiểu biết, gần gũi và thân thiết nhau hơn.

Hôm nay (12/12), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.

Trao đổi với VietNamNet, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung đánh giá, đây là chuyến thăm rất quan trọng, là dấu mốc trong quan hệ 2 nước. "Chuyến thăm sẽ tạo cú hích mới đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện 2 nước lên tầm cao mới trên tất cả lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, về kinh tế rồi giao lưu nhân dân...", Đại sứ Thơ nhận định.

Tiêu điểm - Việt Nam-Trung Quốc: 'Càng giao lưu, đi lại nhiều thì càng hiểu biết, gần gũi''

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (năm 2015). Ảnh: Phạm Hải

Ông Thơ cho biết, dự kiến trong chuyến thăm 2 nước sẽ có nhiều văn kiện hợp tác được ký kết. Lãnh đạo cấp cao 2 nước sẽ bàn bạc, đi đến nhất trí những thỏa thuận và hiểu biết chung, định hướng tương lai quan hệ 2 nước.

Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua hơn 7 thập kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Đại sứ Nguyễn Văn Thơ chia sẻ, trong quá trình đó 2 nước có những lúc thăng trầm nhưng dòng chảy chính vẫn là hữu nghị và hợp tác, bởi vì phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân 2 nước, phù hợp với xu thế chung của thời đại "là hòa bình, hợp tác và phát triển".

Vài năm trở lại đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tần suất trao đổi cấp cao, các cấp giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra vẫn nhộn nhịp, sôi động, đặc biệt là sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (2022). Chuyến thăm đã tạo xung lực mới làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Nhận định về tương lai quan hệ 2 nước, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng, 2 nước sẽ có những phát triển mới trên nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, tin cậy chính trị sẽ cao hơn, 2 bên sẽ bàn bạc để đưa hợp tác về kinh tế, thương mại phát triển trong thời gian tới.

Phân tích thêm về triển vọng này, Đại sứ cho biết Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, nếu tính đơn lẻ Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc.

"Tôi còn nhớ sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, đến năm 1992 kim ngạch thương mại 2 nước chỉ có 32 triệu USD, đến năm ngoái vươn lên gần 176 tỷ USD, tức là tăng lên 5.500 lần. Đây là bước phát triển vượt bậc", ông Thơ phân tích.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Những lĩnh vực khác về văn hóa, quốc phòng, an ninh cũng tiếp tục được duy trì và củng cố.

Về du lịch, trước đại dịch Covid-19, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam rất đông khoảng hơn 5,8 triệu người/năm, tức là cứ 3 khách du lịch nước ngoài có 1 khách du lịch là người Trung Quốc. Ông Thơ nhìn nhận hợp tác du lịch giữa 2 nước có vai trò quan trọng, không chỉ về kinh tế mà còn tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau. Bởi "càng giao lưu, càng đi lại với nhau nhiều thì càng hiểu biết, càng gần gũi và thân thiết nhau hơn".

Trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Trung Quốc chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2022) và trong Thông cáo báo chí chung nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc (6/2023) đều khẳng định “hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước”. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, dự kiến trong chuyến thăm lãnh đạo 2 nước cũng sẽ bàn vấn đề này, cùng thảo luận dự án hợp tác có lợi cho 2 bên.

Tiêu điểm - Việt Nam-Trung Quốc: 'Càng giao lưu, đi lại nhiều thì càng hiểu biết, gần gũi'' (Hình 2).

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ.

Trung Quốc là quốc gia có công nghệ tiên tiến trong xây dựng đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc. Hơn 70% tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới nằm ở Trung Quốc. Đây cũng là quốc gia có tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc dài nhất thế giới. Trong khi Việt Nam có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế, ông Thơ cho rằng, việc hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng giữa 2 nước có vai trò quan trọng và đây cũng là tiềm năng hợp tác lớn.

Đại sứ kỳ vọng chuyến thăm sẽ tạo đà cho hợp tác 2 nước "tin cậy chính trị tin sẽ cao hơn, hợp tác hiệu quả và thực chất hơn, nền tảng xã hội sẽ được mở rộng. Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công".

BƯỚC PHÁT TRIỂN, ĐỘT PHÁ MỚI QUAN HỆ VIỆT-TRUNG

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết, ông làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong 7 năm từ 2008 đúng thời điểm 2 nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

"Tôi còn nhớ năm 2011 đã tháp tùng đồng chí Tập Cận Bình với tư cách là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước sang thăm Việt Nam theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Mỗi chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc sang Việt Nam thì quan hệ 2 nước đều có bước phát triển mới và chuyến thăm tới đây cũng không ngoại lệ, sẽ có những bước phát triển, đột phá mới có lợi cho nhân dân Việt Nam, có lợi cho nhân dân Trung Quốc, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực và trên thế giới", ông nhấn mạnh.

Ông khẳng định: "Việt Nam không có nguyện vọng tha thiết gì hơn là hòa bình, hợp tác và phát triển; hợp tác hữu nghị với Trung Quốc để phát triển đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây lợi ích rất căn bản và là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam".

Hội hữu nghị Việt-Trung cách đây 2 tuần vừa tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 7, Hội đã đề ra nhiều phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới để thúc đẩy quan hệ 2 nước nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ chia sẻ, Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng đối ngoại nhân dân.

Tiêu điểm - Việt Nam-Trung Quốc: 'Càng giao lưu, đi lại nhiều thì càng hiểu biết, gần gũi'' (Hình 3).

Ảnh trái: Giao lưu văn hóa giữa thanh niên Việt Nam và Trung Quốc tại thủ đô Hà Nội năm 2019 - Ảnh phải: Du khách Trung Quốc vẫy tay chào Việt Nam tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 3/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông nhấn mạnh: "Đảng, Nhà nước Việt Nam coi đối ngoại nhân dân cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước là một trong những trụ cột quan trọng, tạo thành mặt trận để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng. Vì thế ngoại giao nhân dân phải đóng vai trò tiên phong trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước".

Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội Hội hữu nghị Việt-Trung đề ra, đưa đối ngoại nhân dân lên một tầm cao mới, chủ động hơn, tích cực hơn, xây dựng cơ sở xã hội vững chắc cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

"Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói nhân dân là cái gốc của quan hệ hữu nghị; có sự đồng thuận, hiểu biết của nhân dân thì làm việc gì cũng được. Tăng cường nền tảng xã hội, nền tảng dân ý quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là thế hệ trẻ 2 nước chính là tạo sự đồng thuận xã hội. Càng hiểu biết lẫn nhau thì càng thân thiện với nhau hơn, giải quyết những khác biệt, bất đồng cũng dễ hơn", Đại sứ phân tích.

Theo Trần Thường/VietNamNet