Vợ chồng Tiểu Mai (tên nhân vật đã thay đổi) còn trẻ và đang trong giai đoạn "thắt lưng buộc bụng" để thực hiện mơ ước mua một ngôi nhà của riêng mình tại Thâm Quyến (Trung Quốc).
Nguồn kinh tế của hai vợ chồng dựa chủ yếu vào sạp bán hoa quả ở chợ nhưng kinh doanh nhỏ lẻ lúc nào cũng bấp bênh, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Những ngày buôn bán ế ẩm, trái cây để nhiều ngày nên bị giập nát, thối hỏng khiến hai vợ chồng tiếc đứt ruột.
Tiếc của, cả hai thường dùng dao cắt bỏ chỗ hỏng, phần còn lại giữ để ăn. Không ngờ, thói quen tiết kiệm này lại khiến sức khỏe của đôi vợ chồng trẻ tổn thương nghiêm trọng.
Vợ chồng Tiểu Mai gần đây cảm thấy không khỏe. Cả hai thấy toàn thân mệt mỏi, chán ăn, da và mắt chuyển vàng, sút cân bất thường nên tới bệnh viện khám. Không ngờ, sau khi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán hai vợ chồng đều mắc ung thư gan.
Nhận tin sét đánh, cả hai không tin vào tai mình. Họ thắc mắc vì sao bản thân rất chăm vận động, không bia rượu, không thuốc lá, tuổi đời còn trẻ mà đã mắc bệnh nan y.
Về vấn đề này, bác sĩ nhận định thói quen sinh hoạt là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư gan. Ở trường hợp của 2 người thì chính việc ăn thực phẩm mốc hỏng thường xuyên là “liều thuốc độc”, đưa ung thư gan đến.
Lúc này, đôi vợ chồng trẻ mới vỡ lẽ, hối hận vì thói quen bấy lâu của mình. Chỉ vì tằn tiện được mấy đồng để rồi bây giờ họ phải khổ sở vì căn bệnh quái ác.
Thực tế, trái cây thối có chứa nhiều chất không có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, chúng chứa 2 loại nấm phổ biến là patulin và ochratoxin A. Hai chất độc này đều được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào danh sách những chất gây ung thư. Patulin đã được chứng minh có thể gây hại đường ruột và chức năng tiêu hóa. Trong khi đó, ochratoxin A gây độc cho gan và thận.
Đặc biệt, trái cây thối mốc có thể chứa aflatoxin. Năm 1993, Viện Nghiên cứu Ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại aflatoxin là chất gây ung thư tự nhiên, có độc tính cao, cực kỳ nguy hiểm. Độc tính của aflatoxin mạnh gấp 10 lần so với loại thuốc độc nổi tiếng kali xyanua, độc gấp 68 lần asen.
Aflatoxin khi hấp thụ vào cơ thể sẽ tấn công cơ quan chính là gan, vì thế nó gây bệnh gan, ung thư là chủ yếu. Người bị nhiễm độc tố aflatoxin lâu năm có nguy cơ cao ung thư gan và ung thư túi mật.
Đáng chú ý, theo một số nghiên cứu, cho dù gọt bỏ phần trái cây thối thì phần còn lại vẫn bị nhiễm khuẩn, các vi sinh vật phát triển sinh ra vô số chất độc. Thông qua nước dịch của trái cây, những độc tố bắt đầu lan ra các phần chưa hư thối và việc sử dụng dao cắt bỏ phần thối không thể loại bỏ hết nấm mốc. Vì vậy, theo các bác sĩ, một khi trái cây có dấu hiệu nhiễm nấm, tốt nhất bạn nên vứt bỏ, tránh hậu quả đáng tiếc.
Minh Hoa (t/h)