Vụ chả chứa hàn the ở Đà Nẵng: Từng bị kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm

Admin
Cơ sở sản xuất chả từng được quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng tập huấn, chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Liên ngành quận kiểm tra không phát hiện vi phạm. Nhưng khi công an Thành phố xuống kiểm tra thì phát hiện cả tấn chả có hàn the vào cuối năm 2024.

1 tấn chả có hàng the

Ngày 4/1, theo thông tin từ UBND quận Cẩm Lệ, cơ sở của ông Phạm Xu Tý đã tham gia các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm, do UBND phường Hòa An tổ chức hàng năm. Những lớp học này nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn, bảo đảm tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vào năm 2024, thực hiện công văn của Công an TP.Đà Nẵng về việc phối hợp quản lý an toàn thực phẩm, UBND quận Cẩm Lệ đã cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn để phục vụ công tác kiểm tra. Trong danh sách này có cả cơ sở sản xuất của ông Tý.

Vụ chả chứa hàn the ở Đà Nẵng: Từng bị kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm- Ảnh 1.

Chả từ cơ sở của Phạm Xu Tý được xác định có chứa hàn the.

Cũng trong năm 2024, quận Cẩm Lệ đã thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành, do Phòng Kinh tế quận chủ trì, thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở, trong đó có cơ sở của ông Phạm Xu Tý. Đặc biệt, vào tháng 3/2024, cơ sở này không có bất kỳ vi phạm nào.

Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc đã xảy ra khi vào cuối năm 2024, cơ sở của ông Phạm Xu Tý bị phát hiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng. Từ ngày 20 đến 27/12/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Đà Nẵng tiến hành kiểm tra đột xuất 4 cơ sở sản xuất chả, trong đó có cơ sở của ông Tý.

Kết quả kiểm tra cho thấy, gần 1 tấn chả các loại tại đây đều dương tính với hàn the (Natri Borat), một chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Kết quả kiểm định từ 9 mẫu chả cũng xác nhận sự hiện diện của hàn the trong các sản phẩm này.

Hàn the là một chất có độc tính cao đối với sức khỏe con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, thần kinh và các cơ quan khác. Việc sử dụng hàn the trong thực phẩm là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, vụ việc này đã làm dấy lên sự lo ngại trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các sản phẩm chả, nem, những món ăn đặc sản nổi tiếng tại Đà Nẵng.

Vợ chồng Phạm Xu Tý đã bị khởi tố.

Vợ chồng Phạm Xu Tý đã bị khởi tố.

Trước tình hình này, UBND quận Cẩm Lệ đã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch quận tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở sản xuất chả ông Tý, theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố bị can Phạm Xu Tý (40 tuổi) và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Võ Thị Tuyệt (33 tuổi) để điều tra về hành vi vi phạm các quy định an toàn thực phẩm.

Xử phạt thế nào?

Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Phạm Ngọc Hải, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng, cho biết, hàn the có độc tính khá lớn đối với cơ thể nên Ủy ban Codex Việt Nam và nhiều nước thuộc EU, Asean, Mỹ... đều không cho phép hàn the trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm.

Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm và Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành không quy định hàn the nằm trong danh mục được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Luật sư Phạm Ngọc Hải, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng.

Luật sư Phạm Ngọc Hải, đoàn Luật sư Đà Nẵng.

Hành vi của các đối tượng khi sử dụng hàn the, là một chất chất phụ gia không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong chế biến, sản xuất một tấn chả các loại có dấu hiệu cấu thành tội phạm tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự.

Tùy thuộc vào giá trị thực phẩm chế biến, số tiền thu lợi bất chính, tính có tổ chức của tội phạm hoặc hậu quả của hành vi vi phạm mà mức định khung hình phạt là khác nhau, trong đó, khung hình phạt cao nhất của tội này là hình phạt tù từ 12 đến 20 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Hành vi của các đối tượng là nguy hiểm cho xã hội,xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng củ a người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ, gây mất an toàn trong sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cần điều tra, xử lý nghiêm minh để răn đe và phòng ngừa chung.

Chất cấm trà trộn trong thực thẩm ở chợ

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng, cho biết đây không phải là trường hợp cá biệt đã bị phát hiện trong thời gian qua.

Theo báo cáo mới nhất từ ban Quản lý an toàn thực phẩm, tình trạng nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng các chất bảo quản nằm trong danh mục cấm để gia tăng lợi nhuận đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại. 

Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều mẫu thực phẩm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, bao gồm giá đỗ chứa chất cấm 6-benzylaminopurine, tiêu bột có hàm lượng aflatoxin vượt ngưỡng cho phép, cũng như tồn dư chất nguy hại trong các mẫu chả bò, chả heo, nem chua rán.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện tình trạng tồn dư kháng sinh trong các loại hải sản tại một số chợ đầu mối, bao gồm ghẹ đỏ, mực, cá cơm và cá biển. Đây là những sản phẩm có nguy cơ cao đối với sức khỏe người tiêu dùng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Ông Nguyễn Tấn Hải cũng cho biết rằng, dù có một số cơ sở sản xuất nem, chả tự phát sử dụng hàn the để giảm chi phí và tăng năng suất, nhưng các thương hiệu nổi tiếng tại Đà Nẵng vẫn duy trì chất lượng sản phẩm, đảm bảo quy trình vệ sinh thực phẩm rất chặt chẽ, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Hải cũng khuyến nghị người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu thực phẩm uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thay vì ham rẻ để tránh những rủi ro về sức khỏe.

Đây là một lời cảnh báo quan trọng đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng, nhằm chung tay bảo vệ an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cam kết tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm, giữ vững niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm đặc sản của Đà Nẵng.