Vụ khởi tố Cục trưởng Cục ATTP: Bộc lộ nhiều kẽ hở trong cấp phép thực phẩm chức năng

Admin
Ngày 15/5, C03 Bộ Công an cho biết, đã khởi tố 5 cá nhân thuộc Cục An toàn thực phẩm để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Từ vụ án này cho thấy hệ thống kiểm tra, cấp phép thực phẩm chức năng bộc lộ nhiều kẽ hở, dễ bị thao túng.

Hệ thống cấp phép thực phẩm chức năng bộc lộ nhiều kẽ hở

Chiều ngày 13/5, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét đối với 05 đối tượng thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế liên quan vụ án Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Đây là kết quả của quá trình mở rộng điều tra vụ án Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm liên danh MediPhar, do Nguyễn Năng Mạnh cầm đầu. Trước đó, cơ quan điều tra đã thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng giả của đường dây này.

Các bị can còn lại gồm: Đinh Quang Minh (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo an toàn thực phẩm), Nguyễn Thị Minh Hải (Phó Giám đốc trung tâm), Lê Thị Hiên (chuyên viên trung tâm), và Cao Văn Trung (Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc). Trong số này, bốn bị can bị bắt tạm giam, riêng Nguyễn Thị Minh Hải được áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng cách cấm đi khỏi nơi cư trú.

Vụ khởi tố Cục trưởng Cục ATTP: Bộc lộ nhiều kẽ hở trong cấp phép thực phẩm chức năng- Ảnh 1.

Các đối tượng Nguyễn Thanh Phong, Đinh Quang Minh, Nguyễn Thị Minh Hải, Lê Thị Hiên, Cao Văn Trung (theo thứ tự từ trái qua) Ảnh: Bộ Công an cung cấp

Tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Thanh Phong khai nhận rằng mỗi lần đoàn công tác thực hiện hậu kiểm tại doanh nghiệp về, cấp dưới là ông Cao Văn Trung đều đưa cho ông một phong bì với lý do là “doanh nghiệp cảm ơn”, bên trong chứa 50 triệu đồng. Tổng cộng ông Phong đã nhận 5 lần, với số tiền lên đến 250 triệu đồng. Theo lời khai, các lần nhận tiền này đều gắn với hoạt động cấp chứng nhận GMP (Thực hành sản xuất tốt) và hậu kiểm tại 2 nhà máy.

Còn ông Cao Văn Trung khai rằng quá trình kiểm tra, hậu kiểm của đơn vị đã thiếu tính khách quan do buông lỏng các quy định pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp thao túng kết quả. Điều này, theo ông Trung, dẫn đến nhiều sai lệch trong quá trình cấp phép, giám sát hoạt động sản xuất thực phẩm chức năng.

Ông Đinh Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đào tạo an toàn thực phẩm, thừa nhận, việc tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm hoàn toàn dựa trên tài liệu do doanh nghiệp cung cấp, mà không có quy trình kiểm chứng độc lập. Việc này khiến công tác thẩm định thiếu toàn diện và khách quan.

Hơn 900 sản phẩm đã được tung ra thị trường

Cũng theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Năng Mạnh - Giám đốc Công ty MegaPharco đã thông đồng và chi tiền để “vận động hành lang” tới một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm. Nhờ đó, Mạnh được cấp bốn giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA; đồng thời được phê duyệt 207 sản phẩm thực phẩm chức năng thuộc 9 công ty khác nhau. Các sản phẩm này được sản xuất dựa trên nguyên liệu được công bố là nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, nhưng thực tế phần lớn là hàng kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc.

C03 xác định, các bị can đã tiếp tay để Công ty MegaPharco và các đơn vị liên quan sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu chất lượng. Hơn 900 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được tung ra thị trường, chủ yếu nhắm vào nhóm người dễ tổn thương như người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ toàn bộ hành vi sai phạm liên quan đến hệ thống “chống lưng” cho thực phẩm chức năng giả, gây nguy hại nghiêm trọng đến cộng đồng.

Sự việc không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, làm gia tăng sự phẫn nộ trong dư luận xã hội. Từ vụ án này, cơ quan điều tra nhận định rằng hệ thống kiểm tra, cấp phép cho ngành thực phẩm chức năng đang tồn tại nhiều kẽ hở. Cách làm mang tính hình thức, thiếu minh bạch và dễ bị thao túng đã biến một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người thành mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng hoạt động.

Đây là vụ án hình sự phức tạp có liên quan đến nhiều bị can, nhiều doanh nghiệp và hành vi phạm tội kéo dài có liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức. Hành vi phạm tội núp bóng việc tặng quà việc chứng minh tội phạm phải thu thập bằng các chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ để chứng minh có việc thỏa thuận giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra vụ án làm rõ hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bắt nguyên nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tếBắt nguyên nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế
 13/05/2025 18:22

Việc đấu tranh với thực phẩm bẩn, các hành vi tiếp tay cho thực phẩm bẩn được dư luận xã hội rất đồng tình ủng hộ, hiện nay Đảng và Nhà nước đang quyết tâm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là lương thực thực phẩm.

Ngoài việc xử lý đối với những người thực hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm thì sẽ xử lý nghiêm đối với những người tiếp tay, dung túng cho thực phẩm bẩn, đặc biệt là những người có chức vụ quyền hạn và những người tham gia hoạt động quảng cáo sai sự thật.

Để đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng về thực phẩm thì việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là cần thiết, đặc biệt là hành vi của doanh nghiệp và hành vi của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các lĩnh vực này.

Khánh Linh (t/h theo Tiền Phong, Tuổi trẻ)