Lên lớp 5 mới ôn thi là… quá muộn
Còn 2 năm nữa, con chị Nguyễn Thị Huyền - phụ huynh (PH) trường tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân mới vào lớp 6. Tuy nhiên, từ năm nay chị đã quan tâm tìm hiểu để đăng ký gửi con theo học lớp ôn luyện thi THCS chất lượng cao (CLC) tại trung tâm luyện thi Nguyễn Khả Trạc, Hà Nội.
“Trung tâm này quảng cáo là dẫn đầu trong việc đào tạo và luyện thi vào các trường phổ thông chuyên trên địa bàn thành phố, chuyên luyện thi vào các trường chuyên ngoại ngữ, chuyên Amsterdam, Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Đoàn Thị Điểm… Trong quá trình theo học, học sinh sẽ được củng cố kiến thức trọng tâm, song song với chương trình được học trên lớp và luyện tập các bài nâng cao”- chị Huyền cho biết.
Trên trang facebook của Trung tâm, cũng đã chiêu sinh đầu vào các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12. Chị Huyền tưởng mình đã “nhanh chân” khi cho con luyện thi từ sớm như vậy. Không ngờ, chị còn gặp cả PH có con vừa học xong lớp 1, lớp 2 cũng đang đi tìm lớp học thêm cho con tại trung tâm.
Chị Huyền cho biết, nhiều người nghĩ nếu muốn thi vào trường THCS chất lượng cao thì khi con vào lớp 5 sẽ bắt đầu cho học ôn. Tuy nhiên, chị và nhiều PH khác lại tin rằng, nếu đợi tới lớp 5 mới ôn thi là… quá muộn. Đề thi vào trường CLC thường là nâng cao hơn so với kiến thức cơ bản học tại trường. Vì vậy, con cần phải có một quá trình luyện rèn luyện liên tục, lâu dài nên học càng sớm càng tốt.
Có lẽ, nắm bắt được xu thế đó, nhiều trung tâm luyện thi cũng đã nhanh nhạy, mở các lớp học phụ đạo cho học sinh tiểu học. Không biết nội dung học của các lớp này như thế nào, nhưng do được quảng cáo là để ôn luyện vào trường CLC nên lập tức đã thu hút được sự quan tâm của các PH học sinh.
Còn tại trung tâm V-stars, học sinh từ lớp 4 có nguyện vọng thi cấp 2 vào các trường CLC, trường tư thục có thi đầu vào bằng tiếng Anh đã có thể tham gia theo học lớp luyện thi tiếng Anh tại đây. Theo quảng cáo, theo học tại các lớp này, học sinh sẽ được củng cố nền tảng kiến thức tiếng Anh cơ bản cấp tiểu học; học sâu về các chuyên đề có trong các dạng bài thi chuyển cấp; luyện đề chuyên sâu, bám sát với đề thi vào các trường CLC và các trường tư thục. Trung tâm cũng cam kết giáo viên 100% là giảng viên đại học chuyên ngành tiếng Anh và giàu kinh nghiệm luyện thi sẽ hỗ trợ học sinh đạt kết quả tốt nhất.
Còn với chị Hoàng Thị Hiền, nhà ở phố Hoàng Quốc Việt, từ hè này, con trai chị mới học lớp 4 sẽ phải “dùi mài kinh sử” để chuẩn bị cho trận chiến giành suất học tại trường THCS chuyên Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội, ngôi trường “khét tiếng” có đầu vào khốc liệt. Để việc ôn thi được trúng và sát, chị đăng ký cho con theo học ngay tại “lò” do trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức mở, thường sẽ khai giảng vào khoảng tháng 6.
Ngoài các trung tâm, nhiều mẹ còn truyền tai nhau địa chỉ học ôn thi tại nhà thầy cô như thầy Minh dạy Toán ở Mỹ Đình, cô Trang ở Nguyễn Chí Thanh dạy tiếng Anh, cô Vân Anh dạy văn ở Đại La hay combo 3 thầy Toán-Văn-Anh ở “lò” Hà Đông. Học phí có nơi có thể lên tới 300.000 đồng/buổi, không rẻ nhưng không đăng ký nhanh có khả năng không được nhận do hết suất.
Bên cạnh đó, gần ngày thi, trên nhiều diễn đàn mạng, facebook cá nhân, một số thầy cô còn tổ chức thi thử vào trường CLC… với số lượng học sinh tham gia đông đảo. Học sinh làm bài thi online trong 45 phút, sau đó được báo điểm và nghe thầy chữa đề.
Cơn sốt chưa bao giờ hạ nhiệt
Ngoài các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức xét tuyển, hiện Hà Nội còn có một số mô hình trường khác như trường THCS chất lượng cao như Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm), THCS Lê Lợi (quận Hà Đông), trường THCS Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập, hoạt động và thu học phí theo mô hình trường công lập chất lượng cao, hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam…
Do đây là các trường công có chất lượng “ngoại” nhưng học phí “nội” nên học sinh có nguyện vọng học luôn vượt nhiều lần chỉ tiêu tiếp nhận của các trường. Để có thể tìm ra cách tuyển sinh hợp lý vào các trường này đến nay vẫn khiến các nhà quản lý đau đầu.
Nhiều năm trước, để giảm áp lực cho học sinh tiểu học, Hà Nội đã thực hiện nghiêm cấm các trường này tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển. Thay vào đó, các trường thực hiện xét tuyển đầu vào dựa trên kết quả học tập và rèn luyện ở bậc tiểu học cùng với một số tiêu chí phụ khác.
Phong trào luyện thi đầu vào bị triệt tiêu, nhưng lại thổi bùng lên cơn sốt PH học sinh “làm đẹp” học bạ tiểu học và săn lùng tiêu chí phụ bằng việc đăng ký cho con thi các loại giải như Olympic Tin học trẻ, giải thi Toán Kangaroo, thi kể chuyện bằng tiếng Anh, thi Toán Tiếng Anh qua mạng internet Violympic, thi tiếng Anh trên internet IOE, thi TOEFL, giải bơi, cờ vua, cờ tướng… Để đối phó với tình trạng PH học sinh “săn” các giải thưởng, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải ban hành danh mục các cuộc thi mà các trường được phép căn cứ để xét tiêu chí phụ trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, khoảng 4 năm gần đây, Hà Nội đã cho phép các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.
Theo thông báo, hầu hết các trường THCS chất lượng cao đều kết hợp cả xét tuyển học bạ với tiêu chuẩn cao và thi tuyển 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Vì vậy, PH lại đổ xô cho con học luyện 3 môn để thi đầu vào. Nhiều học sinh vừa bị áp lực phải có học bạ đẹp, điểm kiểm tra cuối năm 5 năm học tiểu học phải “hoàn hảo”, vừa phải lao vào lò luyện để tham gia kỳ thi tuyển.
Theo chuyên gia tư vấn độc lập Vũ Thu Hà, cha mẹ nào cũng muốn tìm cho con môi trường học tập tốt nhất. Tuy nhiên, ngoài việc nhìn nhận theo các tiêu chí của bố mẹ, môi trường học tốt còn phải phù hợp với năng lực, mong muốn của đứa trẻ. Nếu trẻ không có khả năng mà bị ép luyện thi chỉ để được vào học tại ngôi trường mà bố mẹ cho là tốt thì sẽ chỉ làm khổ trẻ mà thôi.
TRUNG THU