Sau ba năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: Văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế… Chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên bàn Thành phố.
Theo Phó Bí thư thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm Nguyễn Tiến Thành, thời gian qua, quận đã thực hiện hiệu quả các nội dung về phát triển văn hóa xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đến hết năm 2023, trên địa bàn quận có 163 nhà văn hóa tổ dân phố, điểm sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo 100% tổ dân phố trên địa bàn Quận có điểm sinh hoạt. Toàn quận có 44 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 88%); có 2/13 phường đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”. Từ năm 2021 đến nay, Quận đã phê duyệt: 1.053.214 triệu đồng đầu tư cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị cho 20 trường học; đầu tư xây mới, cải tạo, chỉnh trang 22 công trình nhà văn hóa với số tiền 102.754 triệu đồng… Việc thực hiện hiệu quả nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Giáo dục và Đào tạo, quan tâm đầu tư điểm sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi, điểm luyện tập thể dục, thể thao phục vụ sinh hoạt của nhân dân đã góp phần tích cực trong công tác nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Các mô hình, công trình văn hóa được xây dựng, duy trì góp phần tích cực trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Còn tại huyện Gia Lâm thời gian qua đã có nhiều giải pháp lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả. Hết năm 2023, toàn huyện có gần 1.000 sân vận động, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân bóng rổ, bể bơi, sân quần vợt, sới vật, điểm lắp đặt các thiết bị thể dục thể thao ngoài trời… Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm Bùi Thị Lợi, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng được triển khai quyết liệt, đạt kết quả tích cực. Huyện đã chỉ đạo xây dựng và triển khai hiệu quả đề án “Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngoài ra, huyện cũng đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn và nâng cao giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, công tác tu bổ, tôn tạo di tích.
Nhiều hoạt động văn hoá giáo dục góp phần nâng cao nguồn nhân lực
Đối với công tác giáo dục đào tạo, huyện Gia Lâm đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường. Chất lượng giáo dục đào tạo được duy trì và phát triển, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát huy hiệu quả của các quy ước, hương ước ngày càng đạt nhiều kết quả, nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao.
12 sinh viên ưu tú Trường đại học Thủ đô vinh dự được kết nạp Đảng
Tại Trường Đại học Thủ đô, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Nguyễn Văn Tuân cho biết: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được giao chủ trì tham mưu và thực hiện 2 nhiệm vụ thuộc Chương trình 06 CTr/TU gồm: Đề án “Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Thủ đô giai đoạn 2021-2025” và Đề án "Bồi đưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, Trường đã xin ý kiến của các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội có liên quan, tổ chức tuyên truyền phổ biến các đề án, chương trình được UBND Thành phố phê duyệt trên các kênh truyền thông chính thức của Trường. Riêng về Đề án "Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Nhà trường đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trong năm 2023, 2024 bám sát các mục tiêu trong Đề án đã được phê duyệt.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, đến nay, đã có 14 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành và tập trung nâng cao chất lượng, trong đó chỉ tiêu “Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa hàng năm”... đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu Thành phố đề ra.
Tỷ lệ gia đình, thôn làng văn hoá trên địa bàn Thủ đô ngày càng tăng lên
Các địa phương, đơn vị đã quan tâm tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, không gian cây xanh. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ. Chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng được quan tâm, tăng cường phối hợp giáo dục đại học gắn với cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng thế mạnh của các cơ sở đào tạo đại học trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thành phố cũng nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa thể thao. Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp kịp thời được phát hiện, biểu dương và tôn vinh. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, theo ghi nhận chung, các địa phương, đơn vị tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ, ẩm thực...
Thành phố cũng nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa thể thao
Các địa phương, đơn vị đã tập trung tuyên truyền nâng cao vai trò của mỗi công dân Thủ đô, gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, phường, xã trong việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể chất, giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng ứng xử văn minh đến các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý; nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa, nhất là “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc Thành phố” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, nhằm phát triển văn hóa, xây dựngcon người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Nhiều gương tập thể, cá nhân phụ nữ Thủ đô trong thực hiện cuộc vận động "Phụ nữ thủ đô ứng xử đẹp" được tuyên dương
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Chương trình cũng còn những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục. Đó là việc phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa sau đầu tư của các quận, huyện, thị xã được giám sát chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; nhận thức về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn chưa thực sự sâu sắc, toàn diện. Hiện nay, có 3 chỉ tiêu khó khăn cần có giải pháp để hoàn thành đến năm 2025 đó là nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia; tỉ lệ thôn, làng có nhà văn hóa; xây dựng các trường liên cấp ngang tầm các nước trong khu vực.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dù được đầu tư nhưng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc phát triển hệ thống các trường dạy nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Một số chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chưa đạt yêu cầu đề ra. Chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm hoàn thành theo chương trình, kế hoạch.
Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng thêm trường phổ thông liên cấp hiện đại
Ghi nhận, công tác đào tạo nghề có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, song Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục thời gian qua của Thành phố mới chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông, Trường Đại học Thủ đô... Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dù được đầu tư nhưng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Cùng với những hạn chế trên, trong nhận thức, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn thiên về các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn.
Cần sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"
Nhận thức, việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, đồng bộ, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế…Việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị còn hạn chế, tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, vi phạm trật tự xây dựng còn diễn ra ở nhiều nơi...
Trong quá trình phát triển của Thủ đô, văn hiến, văn hóa Hà Nội, nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số là những nguồn lực đặc biệt quan trọng. Do đó, cần sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" trong giai đoạn mới ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.