Xu hướng chi tiêu đối nghịch của các ông lớn ngành bia

Admin
Nửa đầu năm 2024, trong khi ông lớn ngành bia phía Nam “thắt lưng buộc bụng" bằng việc cắt giảm loạt chi phí thì Habeco lại ghi nhận chiều hướng ngược lại…

Quý II/2024 là thời điểm diễn ra Giải vô địch Bóng đá châu Âu 2024, sự kiện này được kỳ vọng là cú hích giúp ngành bia cải thiện kết quả kinh doanh trong kỳ.

Năm 2024, theo dự báo của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, toàn ngành tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức chưa có dấu hiệu suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp ngành đồ uống hiện nay chịu tác động kép từ tình hình thế giới và những chính sách liên quan.

Xu hướng chi tiêu đối nghịch của các ông lớn ngành bia- Ảnh 1.

Năm 2024, theo dự báo của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, toàn ngành tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức chưa có dấu hiệu suy giảm.

Bên cạnh đó, các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh vẫn ở mức cao cũng như nhiều biến động của thị trường cũng gây ra ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia.

Chi phí bóp nghẹt lợi nhuận

Với ông chủ thương hiệu bia miền Bắc - Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN), dù ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng, thoát lỗ sau quý I/2024 nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh Habeco vẫn sụt giảm do phát sinh chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ…

Doanh thu thuần quý II/2024 của công ty đạt 2.306 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu là doanh thu cung cấp thành phẩm, hàng hóa với hơn 2.264 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán tăng song vẫn chậm hơn biên độ tăng của doanh thu đã đẩy lợi nhuận gộp lên 643 tỷ đồng, tăng 21%. Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty giảm 32% xuống 40 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Đáng chú ý, quý II/2024, công ty dành 165 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ; tăng gấp 2,6 lần. Điều này đã đẩy chi phí bán hàng của Habeco lên 339 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Khấu trừ các chi phí, ông chủ thương hiệu Bia Hà Nội báo lãi 172 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đây vẫn là kết quả khả quan nếu so với khoản lỗ gần 21 tỷ đồng ghi nhận vào quý I/2024 trước đó.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Habeco đạt 3.614 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty ghi nhận lợi nhuận đạt 151 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.543 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 202 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, ông lớn ngành bia miền Bắc đã thực hiện lần lượt 44% doanh thu và 75% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Giảm chi phí - tăng lợi nhuận

Trái lại, ông chủ thương hiệu bia Sài Gòn lại ghi nhận xu hướng tiết giảm mạnh các khoản chi phí dù trước đó từng thuộc nhóm các doanh nghiệp mạnh tay chi tiền cho quảng cáo và khuyến mại..

Theo đó, quý II/2024, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco; HoSE: SAB) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.086 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Đi cùng chiều giảm trên, doanh thu từ hoạt động tài chính của Sabeco đạt 266 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh đó, loạt chi phí của Sabeco đều được tiết giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí bán hàng của Sabeco trong quý II/2024 đạt 902 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 176 tỷ đồng; giảm lần lượt 22% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, phần lãi trong công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát của Sabeco ghi nhận giảm từ 78 tỷ đồng vào quý II/2023 xuống còn 27 tỷ đồng vào quý II/2024, tương đương giảm 65%.

Nhờ tích cực tiết giảm các chi phí nên sau thuế, quý II/2024, Sabeco báo lãi 1.319 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 15.378 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.342 tỷ đồng; đều tăng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của công ty đến từ bán bia và nguyên vật liệu.

Nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận thêm khoản thu nhập từ cổ tức được chia trị giá 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận. Đồng thời, thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng của Sabeco sụt giảm 22% xuống còn 533 tỷ đồng.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia: Việc tiêu thụ sẽ ít đi?

Về phần chi phí, 6 tháng đầu năm 2024, tiền quảng cáo và khuyến mại - khoản chi phí luôn được Sabeco mạnh tay dành ra nhằm quảng bá sản phẩm - ghi nhận tiết giảm hơn so với cùng kỳ năm trước; giảm về 1.030 tỷ đồng, tức 15%.

Bên cạnh đó, chi phí nhân viên cũng được cắt giảm còn 610 tỷ đồng, giảm 16% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Năm 2024, Sabeco lên mục tiêu doanh thu đạt 34.397 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024, Sabeco đã hoàn thành 44% chỉ tiêu doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận.