“Xuân về trên bản làng” chào năm mới 2025

Admin
(PNTĐ) - Diễn ra từ ngày 1- 31/1/2025, “Xuân về trên bản làng” là chủ đề của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo đó, nhiều nghi lễ, phong tục đón Xuân đầu năm mới mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc sẽ được tổ chức.

Sự kiện nhằm giúp du khách hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống đón Tết cổ truyền của từng dân tộc, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa, bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến du khách nhân dịp năm mới 2025.

“Xuân về trên bản làng” chào năm mới 2025 - ảnh 1
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Điện Biên về tham gia các hoạt động Chào năm mới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Theo Ban quản l‎ý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các hoạt động tháng 1 diễn ra với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer), cùng sự tham gia của 11 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

Theo đó, điểm nhấn của các hoạt động trong tháng 1 có chủ đề “Xuân về trên bản làng”, gồm hoạt động “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025”, hoạt động chuyên đề điểm nhấn “Xuân về bản em” với các chương trình dân ca dân vũ “Đón xuân ở bản em” của các nhóm đồng bào phía Bắc, gồm các tiết mục hát múa ngày xuân, diễn xướng dân gian của các dân tộc phía Bắc khi Xuân về; giới thiệu không khí ngày Xuân của các dân tộc phía Bắc qua các trò chơi dân gian như ném pao, đánh yến, ném còn, đánh đu, nhảy sạp; giới thiệu sản vật truyền thống, những món ăn ngày Xuân; chương trình giao lưu “Xuân về trên cao nguyên” của các dân tộc Tây Nguyên với những lời ca tiếng hát, diễn xướng dân gian của các nhóm đồng bào Tây Nguyên mừng năm mới.

Hoạt động tái hiện Lễ tạ ơn của dân tộc Dao Quần chẹt ở Ba Vì (Hà Nội). Theo truyền thống, từ mùng 3 đến 29 tháng Chạp, tại mỗi gia đình đều tổ chức lễ cúng cuối năm để tạ ơn Bàn Vương, tổ tiên và Tản Viên sơn thánh đã phù hộ, che chở cho gia đình trong suốt năm qua. Đây cũng là dịp để đồng bào báo cáo về những thành quả đạt được trong năm, cầu cho những điều may mắn, hạnh phúc sẽ đến trong năm mới. Phần nghi thức được diễn ra theo truyền thống, sau lễ là những làn điệu múa chuông, múa rùa cổ truyền đặc sắc của các chàng trai, cô gái bản Dao. Lễ tạ ơn tổ tiên là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên.

Cũng trong tháng 1/2025, cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết theo phong tục, tập quán của từng đồng bào. Theo đó, tại các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer… bà con tiến hành sửa soạn bàn thờ ngày Tết, treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, trang trí không gian nhà theo đúng phong tục truyền thống của các dân tộc; trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian, trang trí thêm các điểm nhấn để du khách chụp hình. Đặc biệt, làm nổi bật không khí đón mừng năm mới của các làng dân tộc phía Bắc (dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú, Lào).

Một trong những hoạt động được cộng đồng các dân tộc và du khách chờ mong là hoạt động tổ chức “dựng cây nêu ngày Tết” - phong tục truyền thống mang đậm nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Cây nêu không chỉ thể hiện ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”, biểu tượng tâm linh mà còn chuyển tải những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp. Dựng cây nêu ngày Tết cũng là hoạt động được tổ chức đều đặn hàng năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu với du khách những phong tục lâu đời trong Tết Việt. Ngọn nêu vươn cao, mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc, thuận hòa tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào đón mùa Xuân 2025, tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam còn diễn ra hoạt động “Bữa cơm đoàn viên” của các dân tộc đang hoạt động tại Làng; hoạt động tâm linh - chúc phúc cầu an dịp năm mới Ất Tỵ; chương trình “Hội Xuân” Vui đón Tết Nguyên đán năm 2025 của đồng bào các dân tộc phía Bắc sinh sống tại Làng; chương trình dân ca dân vũ “Xuân sum họp” và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đón khách dịp Tết theo phong tục năm mới của đồng bào…