Xuất khẩu gỗ tăng trưởng tích cực, kỳ vọng vượt mục tiêu

Admin
Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, trong đó mặt hàng gỗ của Việt Nam nửa cuối năm 2024 dự báo tiếp tục tăng trưởng.


 Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ tính đến hết tháng 7 năm 2024 ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng sản phẩm gỗ ước đạt hơn 5,96 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá về kết quả này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định: yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực cho tới thời điểm này là do nhu cầu tăng tại nhiều thị trường lớn, nhất là thị trường Mỹ.

Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, chiếm gần 54% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xuất khẩu này vào Mỹ có sự tăng trưởng dần theo các tháng.

Xuất khẩu gỗ tăng trưởng tích cực, kỳ vọng vượt mục tiêu- Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ ghi nhận tăng trưởng. Ảnh minh họa.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập chia sẻ, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ. Thêm vào đó, từ giờ đến cuối năm 2024, theo diễn biến mới nhất, Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất. Điều này tất yếu kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, kéo theo nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này sẽ tăng mạnh mẽ.

TIN LIÊN QUANXuất khẩu gỗ tăng trưởng tích cực, kỳ vọng vượt mục tiêu- Ảnh 2."Điểm sáng" nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 8 tỷ USD

Bên cạnh đó, có một yếu tố cũng rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào Mỹ trong nửa cuối năm 2024, đó là vừa qua Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, DOC đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này sẽ khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Mỹ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.

Đáng chú ý, Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ...

"Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn" , ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Xuất khẩu gỗ khả năng về đích hơn 15 tỷ USD

Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Đề cập về giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị thông tin: bộ đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Song song đó, ngành lâm nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro. Đặc biệt là, ngành bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu, bảo đảm mục tiêu đề ra năm 2024; tiếp tục phối hợp các đơn vị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo Công Thương thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành gỗ Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mặc dù từ nay đến cuối năm 2024, vẫn còn không ít thách thức với hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Xung đột địa chính trị tiếp tục căng thẳng đẩy giá cước vận tải lên cao. Hơn nữa, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ và các thị trường trong khối EU vẫn tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Năm 2024, ngành gỗ hướng tới mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2023. Kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Theo WTO (tháng 04/2024), khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, theo chu kỳ hàng năm, xu hướng tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn thường tăng mạnh vào 3 tháng cuối năm, khi thị trường nhà ở bước vào hoàn thiện và nhu cầu sắm sửa, cải tạo lại trang thiết bị nội thất để đón chào năm mới. Với những nút thắt thị trường được khơi thông, cùng với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Các chuyên gia cũng nhận định, năm 2023, xuất khẩu gỗ, lâm sản chỉ đạt 14,47 tỉ USD, giảm 15,4% so với năm 2022. Năm 2024 chưa phải "thời điểm vàng" của ngành gỗ. Tuy nhiên, sản phẩm gỗ Việt Nam "ghi dấu ấn" từ nguyên liệu đầu vào cho các ngành chế biến, xây dựng đến sản phẩm có tính hoàn thiện cao. Các Hiệp định Thương mại tự do được Việt Nam phê chuẩn tiếp tục là "cú hích", cơ hội thuận lợi để ngành gỗ đi xa. Cơ hội mở rộng, phát triển thị phần được cho là khá lớn, do đó, đích đến xuất khẩu 15,2 tỷ USD đối với ngành gỗ không phải là quá nhọc nhằn.

Mỹ, châu Âu tăng mua hàng Việt Nam

Theo Tiền Phong hoạt động xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại ở hầu hết các nhóm ngành quan trọng và các thị trường chủ lực. Điển hình như thị trường Mỹ, xuất khẩu trong nửa đầu năm tăng 10,7 tỷ USD so với năm ngoái; liên minh châu Âu tăng 3,3 tỷ USD. Theo Tổng cục Hải quan, nếu duy trì được kết quả đạt được như nửa đầu năm, quy mô kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể lập được kỷ lục mới là 380 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, nhiều thị trường xuất khẩu lớn dần phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái, nhu cầu hàng hóa tăng khiến cho các đơn hàng quay trở lại với doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp Việt ngày càng khai thác hiệu quả hơn các Hiệp định thương mại tự do…đã giúp thương mại hàng hóa tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao.

Hiện, hàng tồn kho cao tại các thị trường dần được khắc phục, nhất là tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như EU và Mỹ. Nếu duy trì được kết quả đạt được như nửa đầu năm, năm nay quy mô kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể lập được kỷ lục mới là 380 tỷ USD, thậm chí vượt con số này.

Trúc Chi (t/h)