Tiết Thanh minh thường kéo dài nửa tháng, trước khi chuyển sang tiết Cốc vũ. Tiết Thanh minh năm 2025 sẽ kéo dài từ ngày 04/4 đến ngày 19/4 dương lịch. Tiết Thanh minh (hay ngày Thanh minh) là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh.
Tuy nhiên, đây là ngày làm việc trong tuần, nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đi tảo mộ, nhất là với những người làm việc ở địa phương khác.
Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, dù là vào ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều gia đình tại Hà Nội đã tới Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (Tp.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để tảo mộ dịp tiết Thanh minh.

Người mẹ già xúc động nhớ về con trai đã khuất trong ngày Tết Thanh minh.
Bà Trần Thị Thuận (80 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) cùng các con, cháu vượt quãng đường hơn 50km đến Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên tảo mộ. Không riêng gì bà Thuận mà ngày này rơi vào thời điểm cuối tuần nên rất đông gia đình lên đây lau dọn phần mộ, dâng hương tổ tiên, mộ phần.
Ngoài việc chuẩn bị mâm lễ cúng gồm hương, hoa quả, tiền, vàng, đồ chay, bánh kẹo, rượu... từ tối hôm trước, gia đình phải mang theo xe lăn để giúp bà Thuận di chuyển.
Bà Thuận ngồi xe lăn từ đằng xa nhìn về phía bia mộ con trai, đôi mắt rưng rưng, bà Thuận không khỏi xúc động. Sau trận ốm vào giữa năm 2023, anh S., người con trai thứ 2 của bà đột ngột qua đời.
Anh S. mất khi tuổi còn trẻ, nhiều di nguyện chưa thể thực hiện với gia đình nên 2 năm qua dù đi lại khó khăn, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng bà luôn có mặt tại phần mộ con vào những dịp lễ, tết để thăm, kể cho con nghe những câu chuyện của gia đình.

Chị Đỗ Thị Vân (con dâu bà Thuận) xúc động trước phần mộ chồng mình.
Bà Thuận nói, trước khi mất, anh S. trăn trối chưa thể báo hiếu, đền đáp cha mẹ già, chưa thể hoàn thành nghĩa vụ của người cha với các con. Vì vậy, mỗi lần đến phần mộ con, bà hay kể về việc làm ăn, học tập của các thành viên trong gia đình để con ở nơi chín suối được an lòng. Bà cũng hy vọng sau này sẽ là tấm gương để nhắc nhở các con, các cháu mãi nhớ về cội nguồn.
Ngoài gia đình bà Thuận, hàng trăm người dân, trong đó có cả trẻ em cũng ra phần mộ của người thân, dòng họ để quét dọn, sửa sang và bày mâm cúng để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên trong ngày hôm nay.
Người dân quan niệm, dù ngày chính tết Thanh minh năm nay đã diễn ra vào 4/4 nhưng do tiết thanh minh kéo dài từ 4 – 19/4 nên để con cháu, các thành viên trong gia đình có dịp sum họp, họ thường chọn vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật để tảo mộ.

Rất đông người đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh.
Cùng các con cháu lên tảo mộ cha mẹ, ông Lê Huy Hiển (79 tuổi, phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, bất kể dịp lễ, tết nào ông cũng lên thắp hương cho ông bà. Đây cũng là tục lệ rất quý mà ông muốn con cháu noi theo.
"Tôi luôn dăn dạy con cháu sống phải có đạo đức, nhớ ơn ông bà tổ tiên. Trong nhà con cháu tôi đều làm việc viên chức nhà nước nên luôn mong các con chấp hành mọi công việc cơ quan giao phó, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội", ông Hiển nói.

Dịp để tri ân, tưởng nhớ đối với tổ tiên và những người đã khuất.
Tảo mộ Tết Thanh minh, lễ tiết quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc về sự tri ân, tưởng nhớ đối với tổ tiên và những người đã khuất.
Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, chia sẻ tiết thanh minh không chỉ diễn ra trong một ngày mà diễn ra trong 15 ngày.
Đây là dịp các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau, qua đó nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đi tảo mộ ngày tiết thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm.